Được phép bán điện mặt trời lên lưới điện quốc gia: Cơ hội mới cho người dân đầu tư

Từ ngày 22/10, các hộ gia đình và tổ chức lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ chính thức được phép bán lượng dư thừa lên lưới điện quốc gia. Đây là cơ hội mới cho người dân có thể tận dụng nguồn điện năng lượng mặt trời hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí và thu hồi vốn nhanh chóng.

Người dân cân nhắc vì không đạt hiệu quả kinh tế

Anh Nguyễn Văn Nam (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nhận thấy, vào mùa hè, lượng điện gia đình sử dụng rất cao, công thêm khu vực nhà anh còn thỉnh thoảng bị cắt điện nên dự định lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, anh đã cân nhắc vì không đạt hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Theo anh Nam, các hộ gia đình lắp đặt pin NLMT trước năm 2021 có thể ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để bán lượng điện dư vào ban ngày và mua lại điện từ lưới quốc gia vào ban đêm, giúp họ có thêm thu nhập. Nhưng sau đó, EVN đã ngưng ký hợp đồng mua điện từ các hộ dân.

dien-mat-troi-1-1729643610.jpg
Nhiều người vẫn cân nhắc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời vì không đạt hiệu quả kinh tế

Anh Nam tính toán, để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho gia đình, cần đầu tư ít nhất 130 triệu đồng cho hệ thống pin. Điện thu được chủ yếu vào ban ngày, nhưng tiêu thụ điện lại tập trung vào ban đêm khi các thành viên gia đình trở về nhà. Do không bán được lượng điện thừa vào ban ngày, gia đình phải đầu tư thêm từ 20 - 40 triệu đồng cho hệ thống lưu trữ điện.

Các công ty năng lượng mặt trời tư vấn có thể thu hồi vốn sau 7 - 8 năm, nhưng hiện tại chưa có đánh giá chính xác về độ bền của hệ thống pin. Nhiều người đã phải thay bộ pin lưu trữ sau 6 - 7 năm. Vì vậy, anh nghĩ việc đầu tư 150-170 triệu đồng cho hệ thống năng lượng mặt trời lúc này không hiệu quả bằng việc mua máy phát điện khoảng 25-30 triệu đồng để dự phòng khi mất điện.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tiền (quận 7, TP. HCM) cho biết, năm 2019 anh đã lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời cả ở TP. HCM và ở quê Bắc Ninh, có hợp đồng đấu nối với EVN. Anh cũng chi thêm hơn 20 triệu đồng để lắp hệ thống lưu trữ điện cho gia đình ở quê. Tuy nhiên, điện lưu trữ chỉ đủ để vận hành các thiết bị cần thiết, không đủ để sử dụng thoải mái.

Anh Tiền so sánh, hệ thống năng lượng mặt trời ở quê chỉ đáp ứng được khoảng 70 - 80% nhu cầu điện do ánh sáng mặt trời ở miền Bắc yếu trong các tháng mùa đông và mùa xuân, còn hệ thống ở TP. HCM hiệu suất cao hơn. Anh Tiền đánh giá, nếu không thể đấu nối với lưới điện quốc gia và phải đầu tư pin lưu trữ, thì tôi thấy việc đầu tư vào năng lượng mặt trời không còn hiệu quả.

Đại diện một công ty chuyên lắp đặt hệ thông pin năng lượng mặt trời cho hay, từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngừng ký hợp đồng mua điện, số lượng hợp đồng của doanh nghiệp này đã giảm mạnh. Điều này đi ngược lại xu hướng phát triển thế giới khi nhiều quốc gia khuyến khích mạnh mẽ người dân lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái.

dien-mat-troi-1729643609.jpg
Từ ngày 22/10, người dân chính thức được phép bán lượng điện năng lượng mặt trời dư thừa lên lưới điện quốc gia

Chính thức được bán lên lưới điện quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135/2024 quy định cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, có hiệu lực từ ngày 22/10. Nghị định này tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của các công trình như nhà ở, cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cơ sở sản xuất và kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.

Một điểm đáng chú ý là các tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất nếu không kết nối với lưới điện quốc gia. Hệ thống cần được trang bị thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia. Với các công trình có công suất dưới 100kW như hộ gia đình hoặc nhà ở riêng lẻ, sẽ được áp dụng chính sách này dễ dàng hơn.

Trong trường hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời với công suất từ 1.000kW trở lên và bán điện dư vào lưới điện quốc gia, các đơn vị phải tuân thủ các thủ tục về quy hoạch điện lực và xin cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, các công trình điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và rút gọn thủ tục hành chính, đồng thời không phải điều chỉnh công năng hoặc bổ sung đất năng lượng cho công trình. Hệ thống này cũng được công nhận là tài sản công nghệ gắn liền với công trình xây dựng, đảm bảo tính pháp lý và quyền lợi cho người sở hữu.

Nghị định đặc biệt chú trọng đến việc cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có kết nối với hệ thống điện quốc gia, tùy theo quy mô công suất đã được quy hoạch và kế hoạch thực hiện. Đối với các hộ gia đình và nhà ở riêng lẻ, nếu công suất dưới 100 kW và không tiêu thụ hết lượng điện sản xuất, phần điện dư có thể được bán lại cho hệ thống điện quốc gia, nhưng không vượt quá 20% công suất lắp đặt thực tế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thanh toán cho các tổ chức, cá nhân về phần sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia, nhưng vẫn đảm bảo mức thanh toán không vượt quá 20% công suất lắp đặt. Giá mua bán điện dư sẽ được tính theo giá điện năng thị trường bình quân của năm trước, do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện quốc gia trong từng giai đoạn.

Đối với điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên các công trình công sở hoặc những công trình xác định là tài sản công, không thực hiện mua bán điện dư. Các hộ gia đình và nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ sẽ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.

Nghị định cũng khuyến khích các tổ chức và cá nhân lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn và ổn định.