EU ra "tối hậu thư" nếu Microsoft không đáp ứng việc làm rõ các nguy cơ AI tiềm ẩn trong Bing

Ủy ban Châu Âu đang yêu cầu Microsoft làm rõ, cung cấp đầy đủ thông tin về các rủi ro có thể bắt nguồn từ các tính năng AI tổng quát trong công cụ tìm kiếm Bing. Thời hạn báo cáo trước ngày 27/5, nếu không Microsoft có thể phải chịu một khoản phạt nặng nề.

Theo Ủy ban châu Âu, họ đang lo ngại về việc các thông tin giả mạo được lan truyền trên môi trường internet có thể tác động và thao túng, đánh lừa các cử tri. Vì vậy, Ủy ban đang đẩy mạnh các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn vấn nạn này. Trước đó, cơ quan này đã có yêu cầu cung cấp thông tin tới các “big Tech” được gửi vào ngày 14/3/2024, đặc biệt là các công ty có phát triển trí tuệ nhân tạo AI trong các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp của mình.

Tuy nhiên, dường như Microsoft đã không hợp tác, đáp ứng yêu cầu này. Ủy ban châu Âu tuyên bố, cho tới hiện tại, họ chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Microsoft về việc đáp ứng minh bạch thông tin như trên.

microsoft-365-copilot-bing-chat-enterprise-800x445-1716094905.jpg

Trợ lý AI Copilot được tích hợp vào trình tìm kiếm Bing của Microsoft đang gây ra những mối lo ngại về rủi ro tin tức giả mạo do AI tạo ra.

Microsoft sau đó cũng lên tiếng khẳng định, đã tích cực đáp ứng các yêu cầu thông tin tự nguyện của Ủy ban châu Âu, cam kết trả lời các câu hỏi cũng như chia sẻ các cách tiếp cận về bảo mật kỹ thuật số và tuân thủ đạo luật. Công ty cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong ngành như một thỏa thuận công nghệ nhằm ngăn chặn việc sử dụng AI lừa đảo trog các cuộc bầu cử năm 2024.

Thực tế chứng minh, các mô hình ngôn ngữ lớn AI (LLM) đều đã có những sai sót nhất định, “ảo giác” và bịa đặt thông tin, có thể tạo ra các kết quả phân biệt chủng tộc hoặc có khả năng gây hại… Ủy ban đã nhiều lần yêu cầu các công ty, nền tảng thực hiện các biện pháp ngăn chặn thông tin sai lệch và kiểm soát AI tổng hợp.

Nếu Microsoft không đáp ứng thời hạn cung cấp thông tin cuối vào ngày 27/5, Ủy ban châu Âu có thể phạt Bing 1% tổng thu nhập hàng năm và mức phạt định kỳ lên tới 5% thu nhập trung bình hàng ngày. Công ty cũng có thể bị phạt bổ sung nếu cung cấp thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm.

Microsoft đã báo cáo doanh thu 211,92 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua. Trong đó, Bing chiếm một phần doanh thu không hề nhỏ. Nếu bị áp mức phạt như kể trên, con số mà Bing phải nộp sẽ thực sự khổng lồ.

Ngoài Microsoft, các công ty công nghệ khác cũng được EU yêu cầu phải thực hiện nhiều hơn các biện pháp ngăn chặn AI nhúng tay vào việc tạo ra các nội dung bất hợp pháp, có hại trên nền tảng của họ, đáp ứng các quy định của Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số đã được ban hành và bắt đầu có hiệu lực ở Châu Âu từ năm ngoái.

Cùng với cuộc chạy đua AI trên toàn cầu, Ủy ban châu Âu xác định, AI là một trong những rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các quy trình bầu cử, đặc biệt là đối với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp diễn ra vào tháng 6 tới đây.

copilot-ai-1716095034.jpg

AI Copilot đang được ứng dụng trong hầu hết các sản phẩm, dịch vụ chủ đạo của Microsoft.

Với tư cách là nhà đầu tư lớn của OpenAI – công ty tạo ra chatbot trí tuê nhân tạo ChatGPT nổi tiếng thế giới, Microsoft đang được hưởng lợi rất lớn từ những thành tựu mà OpenAI đang tạo ra. Hàng loạt sản phẩm, dịch vụ chủ đạo của công ty nhanh chóng được tích hợp trí tuệ nhân tạo để tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường. Ngay từ đầu năm ngoái, Microsoft đã tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge để cạnh tranh với trình tìm kiếm của Google. Hiện, Bing đang được tích hợp trợ lý AI Copilot và công cụ tạo hình ảnh Image Creator Designer. Các công cụ này có thể ảnh hưởng đến tính xác thực và tính công bằng của những thông tin do chúng tạo ra.