Ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo quyết định này, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng, tức là mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ giảm tương ứng. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 3% trở lên.
Giá bán lẻ điện thời điểm hiện tại được thực hiện theo Quyết định 24/2017. Theo quyết định này, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng nếu kiểm tra, rà soát các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra định kỳ như trong quyết định này. Giai đoạn 2017 - 2019, giá điện tăng 3 lần và được giữ trong 4 năm. Đến tháng 5/2023, giá điện mới tăng thêm 3%. Gần nhất là vào tháng 11/2023, giá năng lượng tăng 4,5%.
Trước khi Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg được phê duyệt, nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, cần đảm bảo công khai, tránh lạm quyền và giảm độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn. Nhưng đại diện Bộ Công Thương cho rằng, rút thời gian điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng là "phù hợp". Việc này đảm bảo chi phí không bị dồn tích gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN, đồng thời dần đưa giá điện theo thị trường.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, kết quả tính và kiểm tra chi phí đầu vào. Bộ Công Thương giải thích rút ngắn thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh "không có nghĩa cứ 3 tháng tăng giá điện một lần".
Trong quyết định mới, thẩm quyền điều chỉnh giá điện bình quân, công thức tính được giữ như hiện nay. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3 - 5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Bộ Công Thương có thẩm quyền tăng giá khi giá điện bình quân tăng 5 - 10%. Thẩm quyền tăng giá do Thủ tướng xem xét, quyết định khi giá điện bình quân tăng trên 10%. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá điện. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giá. Tổng cục Thống kê có trách nhiệm đánh giá tác động việc thay đổi giá điện tới kinh tế vĩ mô. Các bộ, cơ quan khác phối hợp với các nội dung liên quan theo chức năng, nhiệm vụ.
Về phía EVN, doanh nghiệp này được giao tính toán giá bán điện bình quân, gửi báo cáo để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, cung cấp các số liệu để Tổng cục Thống kê đánh giá tác động.