Gã khổng lồ công nghệ Baidu khẳng định chatbot Ernie cán mốc 200 triệu người dùng

Gã khổng lồ công nghệ Baidu của Trung Quốc vừa tuyên bố chatbot Ernie của họ hiện đã vượt qua mốc 200 triệu người dùng. Điều này cho thấy, sự đầu tư vào AI mang tính sáng tạo của công ty đang được đền đáp xứng đáng.

Theo Robin Li Yanhong - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Baidu, chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) Ernie Bot của Baidu đã thu hút hơn 200 triệu người dùng trên thế giới, con số được ghi nhận trong bối cảnh cuộc đua thương mại hóa AI đang nóng lên ở Trung Quốc.

baidu-1713310579.jpg

Ernie Bot được phát hành vào tháng 3/2023, là chatbot AI đầu tiên của Trung Quốc và nhanh chóng vươn lên trở thành đối thủ đáng gườm của ChatGPT.

Tại hội nghị các nhà phát triển AI của Baidu ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến phía nam Trung Quốc hôm thứ Ba vừa qua, ông Li cho biết, Ernie Bot đã đạt được cột mốc quan trọng chỉ 13 tháng sau khi ra mắt, với số lượng khách hàng doanh nghiệp vượt quá 85.000.

CEO của Baidu cũng đã giới thiệu ba công cụ dựa trên Ernie - mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của Baidu dành cho các nhà phát triển để xây dựng ứng dụng trong một số trường hợp mà không cần biết cách viết mã.

Ông nói, bản thân LLM không trực tiếp tạo ra giá trị và chỉ những ứng dụng AI được phát triển (sử dụng LLM) mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.

Baidu đang đóng vai trò dẫn đầu trong việc cố gắng tạo ra doanh thu và lợi nhuận từ chatbot AI tại thị trường tương đối khép kín của Trung Quốc. Đây cũng là chatbot đầu tiên được ra mắt, phát hành vào tháng 3 năm 2023 như là câu trả lời đầu tiên của nước này để đáp lại ChatGPT của OpenAI. Tiềm năng phát triển của Ernie vẫn còn rất lớn khi Trung Quốc là nơi có dân số sử dụng internet lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển AI của Trung Quốc hiện cũng đang trong thế “trăm hoa đua nở” khi có hàng trăm công ty cùng đầu tư vào lĩnh vực này.

Một trong những công ty đang phát triển nhanh chóng là Moonshot AI, công ty đã ra mắt chatbot thông minh Kimi Chat, được xây dựng trên Moonshot LLM do họ tự phát triển, có thể xử lý tới 200.000 ký tự tiếng Trung trong một cửa sổ ngữ cảnh.

bb1kdpbu-1713311336.jpg

Moonshot AI với chatbot Kimi cũng đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, tạo nên bối cảnh "trăm hoa đua nở" về AI.

Theo truyền thông Trung Quốc, Moonshot AI đã huy động được hơn 1 tỷ USD trong vòng cấp vốn mới do gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding và công ty đầu tư mạo hiểm HongShan dẫn đầu, với mức định giá khoảng 2,5 tỷ USD.

Không giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc yêu cầu các công ty phải được phê duyệt trước khi triển khai các dịch vụ AI sáng tạo. Dù ra mắt từ tháng 3 nhưng phải đến tháng 8/2023, Ernie Bot mới được chính thức phát hành ra công chúng, là 1 trong 8 chatbot đầu tiên được nhà nước phê duyệt.

Dữ liệu từ AIcpb.com - một trang web theo dõi lượt truy cập của người dùng vào các dịch vụ AI trực tuyến cho thấy, Ernie Bot đã đạt tổng cộng 14,9 triệu lượt truy cập trên ứng dụng và trang web của mình vào tháng trước, trong khi Kimi có tổng cộng 12,6 triệu lượt truy cập trong cùng thời gian.

Theo một sách trắng do Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thành phố Bắc Kinh công bố, tính đến tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc có 254 mô hình LLM. Tuy nhiên, CEO của Baidu lại cho rằng sự tập trung quá nóng về LLM là “sự lãng phí tài nguyên rất lớn”, có quá nhiều LLM ở Trung Quốc nhưng lại có quá ít ứng dụng gốc AI dựa trên các mô hình đó.

Baidu đã tiết lộ phiên bản cập nhật của Ernie Bot trong hội nghị công nghệ thường niên vào tháng 10 năm ngoái. Thời điểm đó, lãnh đạo công ty khẳng định chatbot của họ đã có thể so sánh với GPT-4 của OpenAI. Công ty cũng đã ra mắt phiên bản trả phí của Ernie 4.0 vào tháng 11 với giá 59,9 nhân dân tệ (8,33 USD) mỗi tháng, như một phần trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình thương mại hóa chatbot của mình.

Tại cuộc họp báo cáo thu nhập của công ty vào tháng 2, ông Li một lần nữa nhấn mạnh, Ernie bot đã đạt được “những bước đột phá trong khả năng kiếm tiền” vào năm 2023. Doanh thu từ các dịch vụ AI tổng hợp của Baidu và các hoạt động kinh doanh liên quan đạt 656 triệu nhân dân tệ trong quý 4, chiếm khoảng 7,8% trong tổng doanh thu dịch vụ đám mây là 8,6 tỷ nhân dân tệ.