Gần 2 tỉ USD vốn ngoại “đổ” vào thị trường bất động sản

Tính đến ngày 20/5, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ghi nhận gần 1,98 tỉ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tính đến ngày 20/5, tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới tăng 50%, đạt 7,94 tỉ USD; vốn giải ngân đạt hơn 8,25 tỉ USD, tăng 7,8% so với 5 tháng đầu năm 2023. Số dự án mới cũng tăng 27% lên gần 1.230 dự án.

Trong số các nhóm ngành nhận được dòng vốn đầu tư từ nước ngoài 5 tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hút được 7,43 tỉ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ở vị trí thứ 2 là lĩnh vực bất động sản với gần 1,98 tỉ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tăng 70% so với cùng kỳ.

Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 5 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 thị trường dẫn đầu (Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc (đại lục), Hàn Quốc) chiếm tới 73% số dự án đầu tư mới và 74% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

bat-dong-san-1716795757.jpg
bat-dong-san-1716796054.jpg
 
Dòng vốn nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ghi nhận gần 1,98 tỉ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn ngoại vẫn tập trung ở các địa phương có nhiều lợi thế (cơ sở hạ tầng, nhân lực, cải cách thủ tục hành chính) như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng... Nhóm 10 địa phương dẫn đầu chiếm gần 75% dự án mới và 75% vốn đầu tư cả nước.

Lý giải nguyên nhân dòng vốn ngoại dành sự “ưu ái” cho lĩnh vực bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng để đầu tư. Sức hấp dẫn của thị trường trong nước đến từ các lợi thế như dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, các vướng mắc về pháp lý của thị trường bất động sản Việt Nam đang dần được tháo gỡ khi Quốc hội đã đồng ý cho phép Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn khoảng 5 tháng so với kế hoạch ban đầu (1/1/2025). Cùng với đó, công tác đầu tư công được đẩy mạnh, tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tạo đà cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Mặt khác, giới chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, vàng liên tục tăng giá, lãi suất tiết kiệm về mức thấp thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư dài hạn nhiều triển vọng. Với các nhà đầu tư nước ngoài, văn phòng cho thuê và bất động sản công nghiệp là hai phân khúc được quan tâm nhiều nhất, được dự báo sẽ rất sôi động trong năm 2024.

thi-truong-bds-1716796193.jpg
Các thành phố lớn ở Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

Theo bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, thời điểm hiện tại là phù hợp để các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Theo đó, một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 khi nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán tích cực.

Đồng quan điểm, ông Sopon Pornchokchai – Chủ tịch Tổ chức định giá và các đại lý bất động sản của Thái Lan đánh giá, trong khi hầu hết mọi dự án, công trình trọng điểm tại Thái Lan chỉ tập trung tại Bangkok thì ở Việt Nam lại có rất nhiều thành phố lớn và còn nhiều dư địa để phát triển. Đây chính là cơ hội cho những nhà đầu tư biết chớp thời cơ.

Cũng theo ông Sopon Pornchokchai, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều biện pháp liên quan đến chính sách nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư về một thị trường bất động sản lành mạnh và minh bạch. Thêm vào đó, những điểm khuyết trong hệ thống hạ tầng giao thông cũng đang được tích cực hoàn thiện bằng loạt dự án mới, tiêu biểu là đường cao tốc Bắc – Nam.