Người bệnh tự trả 70% chi phí
Tại nước ta, ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ hai, sau các bệnh lý tim mạch. Mỗi năm, ung thư cướp đi sinh mạng của 122.000 người Việt, trung bình sẽ có 105,6 ca tử vong trên 100.000 dân. Bên cạnh đó, Tổ chức Ung thư Toàn cầu ghi nhận Việt Nam có thêm 180.000 người mới được chẩn đoán mắc bệnh này mỗi năm.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 91/185 quốc gia về tỷ lệ mắc mới ung thư và thứ 50/185 quốc gia về tỷ lệ tử vong do ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi đến năm 2040, số ca mắc mới và tử vong do ung thư tại Việt Nam ước tính sẽ tăng lần lượt khoảng 59,4% (tương đương 291.000 ca) và 70,3% (tương đương 209.000 ca).
Ung thư không chỉ là một căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng, mà còn là một cuộc chiến đầy gian truân với chi phí điều trị khổng lồ. Đối với nhiều bệnh nhân, việc chống chọi với căn bệnh này không chỉ là cuộc đấu tranh về thể chất mà còn là gánh nặng kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, chi phí dành cho thuốc điều trị ung thư trong năm 2023 đã lên tới 7.521 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng chi trả thuốc từ Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT). Bệnh nhân cũng phải tự chi trả một phần lớn chi phí điều trị ung thư.
Trung bình, mỗi bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phải trả hơn 176 triệu đồng mỗi năm, trong đó người bệnh phải tự chi trả tới 70% tổng chi phí. Đáng lo ngại là có tới 37,4% bệnh nhân ung thư tại Việt Nam bị đẩy vào cảnh nghèo khó do chi phí điều trị quá cao, đây là tỷ lệ cao nhất so với các nước ASEAN.
Khi phải đối mặt với chi phí điều trị cao ngất ngưởng, nhiều gia đình đã phải bán hết tài sản, vay mượn khắp nơi để có thể tiếp tục điều trị cho người thân. Thậm chí, nhiều trường hợp đã phải bỏ ngang liệu trình điều trị vì không còn khả năng tài chính. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ tử vong mà còn khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng bế tắc, trầm cảm và tuyệt vọng.
Cứu cánh từ bảo hiểm y tế
Việc một thành viên trong gia đình mắc bệnh ung thư cũng có thể ảnh hưởng lớn đến thu nhập chung của gia đình. Khi người bệnh không còn khả năng lao động, gánh nặng kinh tế đè lên vai các thành viên khác, thường dẫn đến tình trạng mất cân bằng kinh tế trong gia đình. Nhiều gia đình, trước đây có cuộc sống tương đối ổn định, nhưng sau khi mắc ung thư, đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và khó khăn trong việc duy trì cuộc sống hàng ngày.
Nhằm hỗ trợ người dân được điều trị tốt hơn, mới đây Bộ Y tế đã đề xuất bệnh nhân ung thư được chi trả 100% bảo hiểm y tế (BHYT). Theo lãnh đạo Bộ Y tế, với tỷ lệ bao phủ lên tới 93,5%, bệnh nhân ung thư được BHYT chi trả nhiều chi phí điều trị. BHYT thực sự là cứu cánh cho hàng trăm nghìn bệnh nhân và gia đình của họ.
Nhờ có BHYT, nhiều bệnh nhân ung thư đã có cơ hội tiếp cận với các loại thuốc hiện đại, trong đó có 69 loại thuốc được bảo hiểm chi trả trong tổng số 1.037 loại thuốc thuộc phạm vi bảo hiểm. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình bệnh nhân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên, hiện nhiều loại thuốc điều trị ung thư hiệu quả cao đã ra đời nhưng chưa được đưa vào danh sách các loại thuốc được BHYT chi trả. Do đó, cần thiết phải xây dựng, cập nhật và bổ sung danh mục thuốc điều trị ung thư trong phạm vi BHYT chi trả.
Việc này cần được thực hiện dựa trên tiêu chí vừa đảm bảo yêu cầu điều trị, giúp bệnh nhân ung thư tiếp cận dễ dàng hơn với thuốc hiện đại, giảm bớt gánh nặng chi phí cho bệnh nhân, đồng thời đảm bảo cân đối thu chi và quản lý quỹ BHYT một cách hiệu quả, bền vững. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin thêm, sau hơn 5 năm triển khai, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi và cập nhật toàn diện danh mục thuốc BHYT.