Gen Z mừng lễ Quốc khánh bằng hành động ý nghĩa “hiến máu cứu người”

Đã có 20 lần hiến máu nhân đạo, Hoài Phương chia sẻ, dịp nghỉ lễ này, thay vì lựa chọn bon chen tới những điểm điểm đang hot, hay các khu du lịch đông đúc, cô lựa chọn đi hiến máu. Đây cũng coi như một cách thể hiện lòng yêu nước và yêu đồng bào.

Sáng ngày 2/9, dù đang trong nghỉ lễ Quốc khánh, Nguyễn Thị Hoài Phương (24 tuổi, đang trọ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn dậy sớm, chuẩn bị tươm tất mọi thứ để tới Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Cô đã hẹn trước với nhóm bạn cùng đi hiến máu tại đây.

hien-mau-4-1725265416.jpg
Rất đông người tới Viện Huyết học truyền máu Trung ương ngày 2/9 để hiến máu

Trước ngày hôm nay, Hoài Phương đã có 19 lần hiến máu. Cô gái trẻ chia sẻ, nếu theo lịch, cô đã đủ thời gian hiến máu từ thang trước. Nhưng Phương muốn dành cột mốc 20 lần hiến máu này vào dịp đặc biệt, nên đã rời xuống ngày Quốc khánh.

Ngoài ra, Phương cũng bộc bạch, dịp nghỉ lễ này, thay vì lựa chọn bon chen tới những điểm điểm đang hot, hay các khu du lịch đông đúc, cô lựa chọn đi hiến máu. Đây cũng coi như một cách thể hiện lòng yêu nước và yêu đồng bào.

hien-mau-2-1725265416.jpg
Thay vì lựa chọn bon chen tới những điểm du lịch đông đúc, Phương lựa chọn đi hiến máu
hien-mau-1725265416.jpg
Hoài Phương đã có 20 lần đi hiến máu

Tô Ngân Hà đang làm nhân viên văn phòng, là một người bạn trong nhóm đi hiến máu của Hoài Phương. Ngân Hà chia sẻ, nhóm của cô luôn đi hiến máu cùng nhau. Đợt nghỉ lễ này, nhóm bạn không về quê cũng không đi du lịch, nên đã chọn làm một việc có ý nghĩa là đi hiến máu.

Hà cho hay, để có thể hiến máu với tần suất liên tục, cô và các bạn đều xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế sử dụng các loại đồ uống như bia rượu… Có những thời điểm, công việc quá nhiều, phải thức khuya, cô luôn cố gắng cải thiện nhanh nhất để trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Cô luôn tự nhủ phải giữ sức khỏe để còn hiến máu.

hien-mau-3-1725265416.jpg
Tô Ngân Hà chia sẻ,để có thể hiến máu với tần suất liên tục, cô và các bạn đều xây dựng lối sống lành mạnh
hien-mau-6-1725265416.jpg
Nhóm bạn của Phương, Hà thường xuyên cùng nhau đi hiến máu

Vào buổi sáng ngày 2/9, tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương cũng có rất nhiều người trẻ như Phương và Hà đến hiến máu. Hoài Phương chia sẻ, cô không nghĩ vào ngày nghỉ mà lại đông người như vậy. Hàng dài người xếp hàng trật tự chờ đến lượt mình vào hiến máu.

Anh Trần Trung Thành (Ba Đình, Hà Nội) cũng tới hiến máu. Anh cho biết, anh không thường đi hiến máu. Một năm, anh chỉ hiến máu một đến hai lần. Anh nghĩ, nghỉ lễ dài, lưu lượng giao thông trên đường tăng cao, dễ dẫn tới nguy cơ tai nạn. Từ đó, lượng máu cần cho các tình huống cấp cứu cũng nhiều hơn. Thế nên, anh tranh thủ buổi sáng tới viện để hiến máu, coi như góp chút sức nhỏ giúp người.

hien-mau-5-1725265416.jpg
Nhiều người phải xếp hàng ra tận cầu thang để chờ vào hiến máu

Khi được khen ngợi vì đã có tới 20 lần đi hiến máu, Phương bộc bạch, hành động của cô rất đỗi bình thương, cô chỉ muốn giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Không những tham gia hiến máu, Phương còn lan tỏa tinh thần này đến các bạn và đồng nghiệp của mình bằng cách rủ họ đi hiến máu chung.

hien-mau-1-1725265416.jpg
Rất nhiều bạn trẻ chọn mừng lễ Quốc khánh bằng hành động ý nghĩa "hiến máu cứu người"

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam cần khoảng 2 triệu đơn vị máu dùng để điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, người mắc các bệnh cần truyền máu. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, nước ta hiện mới đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu máu cho điều trị. Do đó, tình trạng thiếu máu vẫn xảy ra tại nhiều địa phương.

Bà Trần Thị Thắm - Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP. HCM cho biết, máu là một dược phẩm đặc biệt. Thế giới hiện cũng chưa sản xuất được loại dược phẩm nào thay thế hoàn hảo. Máu phục vụ điều trị vẫn phải tiếp nhận từ chính người hiến tặng. Với bệnh nhân, người hiến máu là những anh hùng, vì nhờ đó mà họ được cứu sống.

Còn bác sĩ Hoàng Anh Khôi - Trưởng khoa gây mê Viện Tim TP.HCM chia sẻ, để cuộc mổ tim thành công, bên cạnh phương tiện, máy móc hiện đại và việc chăm sóc, điều trị hoàn hảo thì luôn cần máu, các chế phẩm máu để truyền cho bệnh nhân trong lúc mổ và sau mổ. Nếu không có nguồn máu sẵn sàng, đôi khi ca mổ phải trì hoãn, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Hiến máu không chỉ đơn giản là hành động nhân đạo, mà còn là cơ hội tham gia trực tiếp vào việc cứu sống người bệnh.