Giá sách giáo khoa cho năm học 2024 - 2025 sẽ giảm tới 24%

Năm học 2024 - 2025 tới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ giảm giá các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, dự kiến giảm từ 10% tới tối đa 24%.
Sách giáo khoa sẽ được giảm giá khoảng 10 - 24%

Ngày 5/3, tại buổi giới thiệu sách giáo khoa lớp 9 và 12, ông Phạm Vĩnh Thái, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giảm giá sách giáo khoa của lớp 1 đến lớp 12 năm học 2024 - 2025. Theo đó, sách giáo khoa sẽ được giảm giá khoảng 10 - 24%.

Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa công bố giá sách giáo khoa năm nay. Hiện các bộ sách theo chương trình mới có giá từ 230.000 - 390.000 đồng, thường chưa kèm sách tiếng Anh.

Từ năm học 2020 - 2021, Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). Việc thay sách cuốn chiếu diễn ra từ năm 2020, kết thúc vào năm 2025. Với chủ trương bỏ độc quyền xuất bản, nhiều đơn vị đã cùng tham gia biên soạn và phát hành sách đưa tới "một chương trình, nhiều sách giáo khoa".

Nhưng chương trình học lớp 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ: Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Từ lớp 2 tới lớp 12, nhà xuất bản này có hai bộ: Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo và, với đầy đủ môn học.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có quy mô lớn nhất cả nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục in hơn 164 triệu cuốn sách giáo khoa. Tổng doanh thu đạt gần 1.830 tỷ đồng, với trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách. Số lãi sau thuế là 287 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Giá bộ sách giáo khoa mới cao gấp đôi, gấp ba bộ cũ

Từ khi phát hành sách mới, Nhà xuất bản Giáo dục bị phụ huynh phản ứng vì giá sách cao hơn 2, 3 lần so với sách cũ. Như bộ sách giáo khoa lớp 4 gồm 14-15 cuốn có giá dao động 250.000 - 280.000 đồng. Trong khi đó, giá sách lớp 4 theo chương trình cũ chỉ có 87.000 đồng. Với các bộ sách khác cũng tương tự.

Nói về giá sách giáo khoa hiện nay, chị Nguyễn Thị Thanh Mai (một viên chức tại tỉnh Thái Bình) chia sẻ, mỗi dịp đầu năm học mới, chị phải tốn tiền triệu để sắm sách giáo khoa mới cho con. Chị có 3 con, 1 bé đang học lớp 4 và 2 bé đang học lớp 2. Đầu năm học 2023 -2024, chị phải mua 1 bộ sách giáo khoa lớp 4 với giá hơn 450.000 đồng và 2 bộ lớp 2 có giá hơn 270.000 đồng/bộ. Tổng cộng, chị phải chi ra hơn 1 triệu đồng chỉ riêng cho sách giáo khoa.

Chị Mai than thở, trong số 24 cuốn sách giáo khoa lớp 4 thì có tới một nửa là sách bài tập. Những cuốn này, học sinh sẽ điền vào những chỗ trống có sẵn nên chỉ dùng một lần là bỏ. Do đó, chị có muốn “tiết kiệm” 1 bộ sách giáo khoa cũng không được. Chị Mai chia sẻ, mấy năm trước, mỗi bộ giá chỉ tầm 50.000 - 100.000 đồng. Thế mà giờ, sách giáo khoa đã đắt gấp đôi, gấp ba lần.

Anh Đoàn Thảo (Hà Nội) không kìm được bức xúc khi nói về sách giáo khoa của các con. Gia đình anh có 2 con. Mỗi năm học mới, anh phải chi mua 2 bộ sách giáo khoa hết tầm 800 ngàn - 1 triệu đồng. Anh bảo, với gia đình anh thì số tiền này không phải là quá sức. Nhưng với con em công nhân, nông dân, đặc biệt là học sinh dân tộc miền núi thì đây là số tiền không nhỏ.

Lý giải về giá cao, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra một số nguyên nhân: Số cuốn trong mỗi bộ sách nhiều hơn. Việc biên soạn, xuất bản sách mới được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Còn sách cũ, toàn bộ chi phí bản thảo lấy từ ngân sách Nhà nước và vốn vay Ngân hàng thế giới. Ngoài ra, sách mới khổ lớn hơn 1,2 lần sách cũ, tăng hình ảnh, màu sắc...

Trước đây, Luật Giá quy định giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên Luật Giá (sửa đổi) quy định, kể từ 1/7/2024, sách giáo khoa sẽ do Nhà nước định giá. Tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông hồi tháng 8 năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan liên quan ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian; nghiên cứu giảm tỷ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá sách giáo khoa.