Sáng 19/10, anh Phạm Trường (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã mang ô tô 5 chỗ của gia đình đến Trung tâm Đăng kiểm 2908D (Hoài Đức, Hà Nội) để kiểm định. Khi đăng kiểm viên đưa xe vào dây chuyền kiểm tra, anh Trường ngồi trong phòng chờ, theo dõi kỹ lưỡng quy trình kiểm định xe thông qua màn hình camera dành cho khách hàng.
Anh Trường cho hay, việc lắp đặt camera để khách hàng giám sát quy trình là một điều cần thiết, thể hiện tính minh bạch và chuyên nghiệp của trung tâm, đồng thời giúp chủ xe an tâm khi thấy chiếc xe của mình được kiểm tra tỉ mỉ và cẩn thận từng công đoạn.
Theo lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2908D, lắp đặt camera giám sát quá trình kiểm định là quy định bắt buộc đối với tất cả các trung tâm đăng kiểm, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Mỗi dây chuyền kiểm định phải có camera IP giám sát chuyên dụng, giúp quan sát và lưu trữ hình ảnh từ các vị trí kiểm tra trên dây chuyền. Hình ảnh từ camera được truyền trực tiếp đến màn hình trong phòng chờ để khách hàng theo dõi và phải được lưu trữ tại trung tâm dưới dạng video trong ít nhất 30 ngày.
Ngoài hệ thống camera giám sát quy trình đăng kiểm, hầu hết các trung tâm đăng kiểm còn lắp thêm camera xung quanh khu vực trung tâm để tăng cường an ninh, đảm bảo an toàn cho khách hàng. Phòng chờ và khu vực làm thủ tục kiểm định cũng được trang bị camera, hình ảnh từ đó được truyền trực tiếp đến màn hình giám sát của lãnh đạo trung tâm nhằm theo dõi hoạt động của nhân viên và khách hàng, đảm bảo tránh những trường hợp tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của trung tâm.
Lãnh đạo Phòng Kiểm định Xe Cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, tất cả các trung tâm đăng kiểm đều phải lắp đặt hệ thống camera giám sát có khả năng truyền hình ảnh trực tiếp về Cục.
Thông qua hệ thống giám sát tự động này, Cục Đăng kiểm có thể điều khiển và tiếp nhận hình ảnh từ các trung tâm, qua đó giám sát từ xa quá trình kiểm định, đồng thời phòng ngừa các hành vi tiêu cực của đăng kiểm viên và đơn vị đăng kiểm.
Dự thảo Quy chuẩn cũng quy định thời gian lưu trữ tối thiểu của hình ảnh từ các dây chuyền kiểm định phương tiện là 30 ngày. Camera dùng để giám sát kiểm định phải được trang bị riêng cho việc này và kết nối với màn hình trong phòng chờ để khách hàng có thể theo dõi quy trình kiểm định xe.
Ngoài ra, tín hiệu hình ảnh từ hệ thống camera không chỉ kết nối với Cục Đăng kiểm như trước đây, mà còn phải kết nối với Sở Giao thông Vận tải tại địa phương để giám sát, phù hợp với quy định phân cấp quản lý đăng kiểm tại Nghị định 30/2023 của Chính phủ.
Dự thảo Quy chuẩn cũng loại bỏ yêu cầu về độ phân giải video và định dạng hình ảnh, tạo điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm trang bị các thiết bị hiện đại hơn theo sự phát triển của công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng kiểm định và giám sát phương tiện.
Từ cuối năm 2022, cơ quan công an đã khám xét, khởi tố bắt giam nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ các trung tâm, chi cục đăng kiểm. Nhiều trung tâm đăng kiểm đã phải tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Vào tháng 8 vừa qua, đại án đăng kiểm đã được đưa ra xét xử.
Sau sự việc này, nhằm chống tiêu cực trong đăng kiểm phương tiện, nhiều giải pháp công nghệ đã được đưa vào áp dụng. Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành sửa đổi và cập nhật phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm, nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng can thiệp, thay đổi dữ liệu kiểm định phương tiện. Đồng thời, Cục cũng phát triển phần mềm hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm trong việc lập hồ sơ phương tiện, cấp tem và giấy chứng nhận kiểm định cho các xe được miễn kiểm định lần đầu.
Bên cạnh đó, phần mềm còn cho phép tra cứu thông tin và in giấy xác nhận thời hạn hiệu lực có chữ ký số của Cục Đăng kiểm đối với các xe con không kinh doanh vận tải được giãn thời gian kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGTVT và Thông tư 08/2023/TT- BGTVT được xã hội ghi nhận, đánh giá cao vì giúp giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.