Giáo sư Yann LeCun (Yann André LeCun) là nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Pháp làm việc chủ yếu trong lĩnh vực học máy, thị giác máy tính, robot di động và khoa học thần kinh tính toán. Ông là Giáo sư Bạc của Viện Khoa học Toán học Courant tại Đại học New York và Phó Chủ tịch, Nhà khoa học trưởng - Giám đốc về AI tại Meta. Ông hiện đang có mặt tại Việt Nam và tham dự chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”, thuộc tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.
Trong chuỗi sự kiện, Giáo sư Yann LeCun đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện với thầy cô và các bạn sinh viên Trường Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với chủ đề: "Tương lai của Trí tuệ nhân tạo".
Trong bài thuyết trình về sự phát triển của AI hiện tại và tương lai, ông chia sẻ quan điểm của mình: "Các bạn chưa thấy đâu, nhưng AI sẽ còn tốt hơn trong nhiều năm tới, còn hiện tại vẫn còn những hạn chế và chưa đạt được mức độ thông minh của một con mèo. AI gần với trí tuệ con người trong tương lai có thể là 10 năm… Làm sao tạo ra 1 hệ thống AI có thể phục vụ theo mục tiêu là chủ đề nghiên cứu cho vài năm tới”.
Theo chuyên gia này, hiện nay các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới chỉ có khả năng đoán từ và hoàn toàn “chịu thua” nếu phải đoán hình ảnh. Khi người dùng đưa ra một đoạn video và yêu cầu AI dự đoán hình ảnh tiếp theo, nó sẽ không thể đưa ra dự đoán đúng. AI thực tế vẫn chưa có thế giới quan để hiểu cách sự vật, sự việc vận hành ra sao.
"Chúng ta có vô số ý kiến khác nhau về AI cả tích cực và tiêu cực. Có người lo ngại nó sẽ thay thế mình, nhưng có người thấy hệ thống máy tính có AI thì tốt hơn, hoàn thành hàng triệu phép tính, tốt hơn so với con người”, nhà khoa học trưởng về AI của Meta khẳng định.
Đề cập đến câu chuyện phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, Giáo sư Yann LeCun cho biết: “Trí tuệ nhân tạo như là nguyên liệu mới thúc đẩy mọi ngành nghề. Ví dụ trong lĩnh vực về ô tô điện, y tế, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các bác sĩ chuẩn đoán và chữa được nhiều bệnh hơn. Tôi thấy Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, có một thái độ rất tích cực và nhiệt tình với công nghệ mới”. Đây là điểm khác biệt, là lợi thế so với nhiều quốc gia khác ở châu Âu hay Bắc Mỹ - nơi mà người dân có tâm lý nghi ngờ, thận trọng và thậm chí lo sợ đối với AI.
Về vấn đề làm sao để có được môi trường nghiên cứu AI tốt hơn, ông cho rằng cần thiết phải đưa các trường Đại học, các viện nghiên cứu trở thành nơi thu hút nhân tài, từ đó tạo ra sự kết nối mới, mở ra cơ hội cho những người trẻ.
"Tôi thành lập chi nhánh Fair (phòng nghiên cứu) ở Pháp năm 2015, nhận thấy Paris là nơi nóng nhất cho khởi nghiệp về AI, nhiều ý tưởng lớn từ kỹ sư được nhà nghiên cứu tiếp nhận và tìm hiểu. Tại Việt Nam, các trường đại học cần tập trung tài năng, thu hút hoạt động nghiên cứu về AI ở đó, từ đó tạo động cơ cho người trẻ tuổi. Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ, đầu tư tốt cho giáo dục đại học, ngành STEM… sẽ tạo cơ hội cho người trẻ có cơ hội, thực hiện tham vọng và kết nối. Họ cùng những người đã học ở nước ngoài sẽ tụ tại đây để mở ra nhiều cơ hội phát triển", GS Yann LeCun khẳng định.
Giáo sư LeCun cũng tin tưởng rằng, với các chính sách tạo điều kiện, thu hút nhân tài, nguồn lực từ phía Chính phủ, trong tương lai sẽ có các công ty nước ngoài đến để thiết lập các phòng nghiên cứu ở Việt Nam, ví dụ như Meta hay Google.
"Tuy nhiên, yếu tố chính để họ có thể quyết định đặt phòng lab ở đâu là mật độ hay tỷ lệ nhân tài của quốc gia đó. Cho nên việc mà chúng ta cần phải làm là phát triển nhân tài tại Việt Nam" - giáo sư LeCun một lần nữa khẳng định vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của AI cũng như công nghệ tiên tiến tại Việt Nam.