Giám sát chặt chẽ, chuẩn bị khu vực cách ly trước diễn biến phức tạp của bệnh Marburg

Trong các đợt bùng phát bệnh Marburg trước đây, tỷ lệ tử vong dao động từ 24% - 88%. Hiện tại, dù nhiều loại vaccine và liệu pháp điều trị đang trong quá trình nghiên cứu phát triển nhưng chưa có vaccine hay thuốc điều trị kháng virus Marburg nào được phê duyệt.

Khả năng xâm nhập thấp

Tại châu Phi, Bộ Y tế Rwanda vừa xác nhận thêm 7 trường hợp nhiễm virus Marburg, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 56. Thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ca đầu tiên được ghi nhận tại Rwanda vào cuối tháng 9/2024. Đến ngày 10/10, tổng số trường hợp mắc đã tăng lên 58, trong đó có 13 ca tử vong, khoảng 70% trong số đó là nhân viên y tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở châu Phi, Cục Y tế dự phòng đã ban hành công văn khẩn để giám sát và kiểm soát dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự bùng phát ở Việt Nam.

dich-benh-1728986500.png
Ca bệnh Marburg đầu tiên được ghi nhận tại Rwanda vào cuối tháng 9/2024

Cục đã gửi văn bản khẩn số 1006/DP-DT đến các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, yêu cầu cập nhật thông tin về các quốc gia có bệnh nhân mắc virus Marburg, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ các vùng có dịch và thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân. Cục cũng chuẩn bị các khu vực cách ly tạm thời cho các trường hợp nghi ngờ.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức hướng dẫn, tập huấn về giám sát và phòng chống bệnh, cũng như tăng cường năng lực xét nghiệm và rà soát để sẵn sàng đáp ứng các trường hợp nghi ngờ.

Sở Y tế TP. HCM cũng đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) giám sát các hành khách từ các đường bay có liên quan đến Rwanda. Bên cạnh đó, Sở còn khuyến cáo người dân nên hạn chế du lịch đến các quốc gia đang bùng phát dịch và cần tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống về dịch bệnh, tránh các thông tin chưa được xác thực có thể gây hoang mang. Những ai từng đi qua các quốc gia có dịch nếu có triệu chứng nghi ngờ cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế.

Trước những lo ngại về việc bệnh Marburg có thể lây nhiễm vào TP. HCM, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố nhận định nguy cơ xâm nhập qua đường hàng không là khá thấp, do thành phố không có chuyến bay thẳng từ Rwanda và hành khách nhập cảnh đã được sàng lọc kỹ lưỡng.

Tương tự, khả năng lây nhiễm qua đường hàng hải cũng rất hạn chế, vì Rwanda chỉ có một cảng tại Kigali. Dữ liệu cho thấy, từ đầu năm ngoái đến nay, không có tàu thuyền nào đến trực tiếp từ cảng này. Hơn nữa, thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Phi về TP. HCM qua đường biển thường kéo dài từ 25 đến 40 ngày, dài hơn thời gian ủ bệnh tối đa của virus Marburg là 21 ngày.

dich-benh-2-1728986500.jpg
Giơi là loài trung gian lây truyền virus Marburg sang người

Căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao

Bệnh Marburg trước đây được gọi là sốt xuất huyết Marburg, lây truyền sang người qua tiếp xúc kéo dài trong các hang động, nơi sinh sống của những đàn dơi ăn quả. Khi đã xâm nhập vào quần thể người, virus Marburg lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, nội tạng và các chất dịch cơ thể khác của người nhiễm, cũng như với các bề mặt và vật liệu bị ô nhiễm như giường hay quần áo.

Nhân viên y tế là nhóm có nguy cơ cao nhất khi chăm sóc bệnh nhân nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bệnh do virus Marburg (MVD) thường bắt đầu đột ngột, với các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu dữ dội và cảm giác khó chịu. Đau nhức cơ bắp cũng là một triệu chứng phổ biến. Bệnh nhân có thể trải qua tiêu chảy nghiêm trọng, đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn vào ngày thứ ba của bệnh. Từ 2 đến 7 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng, bệnh nhân thường phát ban không ngứa.

Vào ngày thứ 5, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết, như máu tươi trong nôn và phân, chảy máu từ mũi, nướu, âm đạo và các vị trí tiêm tĩnh mạch. Nguy cơ tử vong thường xuất hiện trong khoảng 8 đến 9 ngày sau khi triệu chứng bắt đầu, thường do mất máu nghiêm trọng và sốc.

Trong các đợt bùng phát trước đây, tỷ lệ tử vong dao động từ 24% - 88%. Hiện tại, chưa có vaccine hay thuốc điều trị kháng virus nào được phê duyệt, mặc dù nhiều loại vaccine và liệu pháp điều trị đang trong quá trình nghiên cứu phát triển.

Hầu hết các đợt bùng phát MVD xảy ra ở châu Phi cận Sahara. Virus cũng có thể lây lan ra khắp thế giới qua khách du lịch mắc bệnh hoặc nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm. Căn bệnh này được đặt tên theo thành phố Marburg ở Đức, nơi các nhà khoa học mắc bệnh đầu tiên vào năm 1967 khi thử nghiệm trên khỉ nhiễm virus nhập khẩu từ châu Phi. Các đợt bùng phát gần đây nhất đã được báo cáo tại Guinea Xích Đạo và Cộng hòa Tanzania từ tháng 2 đến tháng 6 năm ngoái.