Trước đó, từ tháng 6 năm nay, YouTube đã thông báo đang truy quét các thuê bao Premium sử dụng VPN để mua gói dịch vụ giá rẻ từ các quốc gia khác.
VPN thường được sử dụng để bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn tấn công mạng, tuy nhiên công cụ này cũng cho phép người dùng ẩn địa chỉ IP của mình và giả mạo vị trí địa lý. Đây cũng chính là lỗ hổng khiến nhiều người tranh thủ “lách” để tiếp cận các gói YouTube Premium với giá thấp hơn đáng kể so với quốc gia mà mình sinh sống.
Nguyên nhân việc lách VPN cũng bắt nguồn một phần từ chính sách giá khác biệt của YouTube Premium theo từng quốc gia, từng khu vực. Nếu lấy theo giá quy chuẩn tại Mỹ, một số khu vực có giá đăng ký Premium rẻ hơn tới 90%. Nếu như một thuê bao Premium gói một người dùng tại Mỹ có giá khoảng 13,99 USD thì nếu dùng VPN để chuyển dùng sang Ukraine để mua thì chi phí chỉ còn khoảng 2,5 USD.
Theo ghi nhận, tại Việt Nam, YouTube Premium được cung cấp chính thức có giá 79 nghìn đồng hoặc 149 nghìn đồng cho gói gia đình. Tuy nhiên, thực tế vẫn “tồn tại” những gói Premium giá rẻ, chỉ khoảng 300-400 nghìn đồng mỗi năm, tức 25-35 nghìn đồng mỗi tháng, cũng xuất phát từ cách làm trên. Người bán thường mua gói gia đình từ các quốc gia có giá rẻ, sau đó chia sẻ cho năm tài khoản khác cùng sử dụng. Tuy nhiên, cách này tiềm ẩn nhiều rủi ro như phải chia sẻ tên, địa chỉ email và ảnh đại diện cho những người khác trong nhóm, hoặc nguy cơ bị lừa đảo khi mua từ người lạ.
Tại thời điểm tháng 6, khi đợt truy quét VPN bắt đầu diễn ra, YouTube cho biết, trong trường hợp phát hiện người dùng gian lận về quốc gia đăng ký, họ sẽ nhắc nhở người dùng cập nhật hệ thống thông tin thanh toán, nếu không sẽ vô hiệu hóa gói dịch vụ.
Mặc dù thông tin về đợt “càn quét” địa chỉ VPN đã được đưa ra hồi tháng 6, tuy nhiên phải đến những ngày gần đây, người dùng Việt mới bắt đầu ghi nhận tình trạng bị cảnh báo từ nền tảng. Trên các diễn đàng mạng xã hội, các trường hợp ghi nhận ngày càng nhiều.
Theo anh Lưu Hùng (Hà Nội) – người vừa nhận được email cảnh báo từ YouTube, thông báo tài khoản Premium của anh cần cập nhật phương thức thanh toán được phát hành tại Ấn Độ trước ngày 5/12 nếu không sẽ bị hủy đăng ký. Anh Hùng cho biết, từ năm 2022, đã dùng VPN đổi vùng sang Ấn Độ để đăng ký gói dịch vụ của YouTube với giá chỉ khoảng 60.000 đồng mỗi tháng cho nhóm gia đình gồm 6 tài khoản.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận với anh Hoàng Lê (Bình Dương), trước đó đã đăng ký tài khoản YouTube Premium với quốc gia đăng ký là tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thông báo của YouTube, nền tảng ghi rõ: "Nếu bạn đã chuyển đến một quốc gia khác, vui lòng hủy tư cách thành viên và đăng ký lại". Trước "tối hậu thư" mà YouTube đưa ra, người dùng chỉ có thể đáp ứng yêu cầu, cập nhật lại địa chỉ quốc gia, đóng đúng theo chính sách giá tại nơi mình sinh sống hoặc tiếp tục tìm kiếm các biện pháp "lách" khác.