Giới hạn nồng độ cồn: Góp phần giảm tải cho các bãi tạm giữ phương tiện

Với hàng nghìn phương tiện bị tạm giữ do vi phạm nồng độ còn trong 7 ngày nghỉ lễ, các bãi tạm giữ xe trên cả nước lại càng thêm quá tải. Nếu có mức giới hạn nồng độ cồn phù hợp, khác với mức 0 như hiện nay, thì có thể phần nào bớt được phương tiện bị tạm giữ do vi phạm quy định này.

Với hàng nghìn phương tiện bị tạm giữ do vi phạm nồng độ còn trong 7 ngày nghỉ lễ, các bãi tạm giữ xe trên cả nước lại càng thêm quá tải. Nếu có mức giới hạn nồng độ cồn phù hợp, khác với mức 0 như hiện nay, thì có thể phần nào bớt được phương tiện bị tạm giữ do vi phạm quy định này.

Năm 2023, lực lượng Công an TP. HCM mở nhiều đợt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, qua đó phát hiện và xử lý hàng trăm nghìn vụ vi phạm, tạm giữ 128.000 phương tiện, chiếm gần 20% tổng số phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ.

Trong 7 ngày Tết vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra, xử lý 71.382 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó vi phạm nồng độ cồn 29.099 trường hợp. Số phương tiện bị tạm giữ 35.684 (1.463 xe ôtô, 34.082 xe máy, 140 phương tiện khác), tước 18.899.

Các bãi đỗ xe vi phạm ở nhiều tỉnh, thành vốn đã quá tải, nhất là thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Với 35.684 phương tiện bị tạm giữ sẽ gây một áp lực lớn lên những bãi đỗ xe vi phạm này. Đáng chú ý, trong 35.684 phương tiện thì có hàng nghìn xe bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn.

Một bãi xe tạm giữ ở TP. HCM

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, mức phạt các lỗi về nồng độ cồn tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe. Do vậy, không ít người đã bỏ phương tiện vi phạm, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi vốn đã quá tải.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), xe vi phạm giao thông quá hạn không đến lấy, có thể bị tịch thu sung công quỹ. Sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sẽ được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì sẽ được xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Cụ thể, những phương tiện này có thể được bán thanh lý hoặc tiêu hủy. Hình thức tiêu hủy tài sản công bao gồm: Sử dụng hóa chất, sử dụng biện pháp cơ học, hủy đốt, hủy chôn.

Quy trình xử lý những phương tiện là như vậy nhưng để thực hiện thì thời gian cũng phải mất tới 2 năm: Đầu tiên là phải tuân thủ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính mất 12 tháng, sau đó phải xác minh, thông báo tịch thu, thẩm định giá, rồi mới quyết định bán thanh lý hay tiêu hủy.

Do vậy, nếu có mức giới hạn nồng độ còn trong hơi thở hoặc máu rõ ràng mới bị xử phạt thì có thể hạn chế được hàng trăm ngàn phương tiện bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn. Như vậy, có thể phần nào giảm tải được cho các bãi tạm giữ xe vi phạm hiện nay.