Google kiện 2 nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc lừa đảo tiền điện tử

SMCP đưa tin, Google đang khởi kiện 2 nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc, cáo buộc họ lừa đảo khoảng 100.000 người thông qua các ứng dụng đầu tư tiền điện tử giả mạo trên Play Store của công ty.

Việc lừa đảo tiền điện tử thông qua các ứng dụng giả mạo trên các "chợ ảo" không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, so với chính sách nghiêm ngặt của App Store của Apple thì Play Store của Google dường như "thoáng" hơn. Chính vì vậy, rất nhiều ứng dụng giả mạo đã được phát hiện trên Play Store, sau đó được Google triệt để ngăn chặn. Tuy nhiên, dường như chưa bao giờ Gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải thực hiện tới các biện pháp cứng rắn như khởi kiện. Điều này đã thay đổi khi mới đây, Google đã chính thức khởi kiện 2 nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc vì đã tải lên nền tảng "chợ ảo" của họ gần 100 ứng dụng lừa đảo tiền điện tử, gây thiệt hại lớn cho người dùng, đồng thời ảnh hưởng đến danh tiếng của nền tảng này.

Cụ thể, một vụ kiện vừa được Google đệ trình lên tòa án ở Mỹ hôm thứ Năm vừa qua, cáo buộc Yunfeng Sun ở Thâm Quyến và Hongnam Cheung ở Hồng Kông đã thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo quy mô lớn kể từ năm 2019, liên quan đến việc tải lên tới 87 ứng dụng không có thật lên Play Store để lừa đảo những người dùng ngẫu nhiên ở Mỹ và Canada. Các ứng dụng này đều liên quan đến sàn giao dịch tiền điện tử và các phương thức đầu tư khác.

Đơn kiện cho biết, những kẻ lừa đảo ban đầu đã tìm cách tiếp cận các nạn nhân, phát triển các mối quan hệ thân thiết, sau đó thuyết phục họ đầu tư thông qua các ứng dụng mà chúng vận hành. Các ứng dụng lừa đảo do 2 nhà phát triển Trung Quốc điều hành đã “ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên toàn cầu” và dẫn đến những tổn thất tài chính đáng kể.

google-play-store-1712399900.jpg
 

Google đã nỗ lực xóa những ứng dụng đó nhưng các đối tượng tạo ra nhiều ứng dụng hơn và đẩy chúng lên bằng những tài khoản khác để tránh sự kiểm soát của Gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Vụ kiện của Google cho thấy sự gia tăng liên tục của các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử trên khắp thế giới, khiến cho hàng chục nghìn nạn nhân dính bẫy.

Theo các cảnh báo gần đây của FBI (Mỹ), sau khi nạn nhân thực hiện một số khoản đầu tư tiền điện tử thông qua các website và ứng dụng giả mạo thì không thể yêu cầu rút tiền. Thậm chí, họ còn nhận được yêu cầu phải đầu tư thêm mới có thể lấy được tiền của mình về. Khi nạn nhân đã hết khả năng tài chính, những kẻ lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc và biến mất cùng với số tiền kể trên.

Các thống kê gần đây cũng cho thấy, tình trạng lừa đảo tiền điện tử và đầu tư trực tuyến trở nên phổ biến hơn ở châu Á kể từ sau đại dịch Covid-19. Một số lượng lớn những kẻ lừa đảo ở Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động ở khu vực Đông Nam Á và cố gắng lừa đảo người dùng bằng các kế hoạch đầu tư không có thật.

Google tuyên bố trong vụ kiện rằng hai nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc cũng sử dụng những thủ đoạn tương tự. Sau khi tìm cách tiếp cận nạn nhân bằng các loại tin nhắn văn bản, chúng sẽ điều hướng người dùng sang các nền tảng nhắn tin khác như WhatsApp. Chúng cũng sử dụng các video quảng cáo trực tuyến để nhúng đường link dẫn đến các ứng dụng đầu tư lừa đảo. Sau khi nạn nhân tham gia, gửi tiền vào các ứng dụng, họ sẽ bị chặn không rút được tiền.

Google cho biết, các ứng dụng của Sun và Cheung, bao gồm một ứng dụng có tên TionRT – tự nhận là sàn giao dịch điện tử, đã khiến các nạn nhân bị tổn hại từ 100 USD đến hàng chục nghìn USD.

Về phần mình, Google cho biết, ước tính thiệt hại của họ sau những vụ lừa đảo kể trên lên tới 75.000 USD.

ung-dung-gia-mao-1712400120.jpg
Trong khi Google nỗ lực xóa bỏ các ứng dụng lừa đảo thì những kẻ xấu tiếp tục phát triển và đẩy lên Play Store nhiều ứng dụng giả mạo hơn.

Theo SMCP, chính quyền Trung Quốc gần đây đã tăng cường thanh trừng các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Đài truyền hình quốc gi Trung Quốc cho biết trong một báo cáo hồi tháng 1/2023 rằng chính quyền Myanmar đã bàn giao hơn 44.000 kẻ tình nghi lừa đảo trực tuyến cho cơ quan chức năng Trung Quốc trong một nỗ lực thực thi pháp luật chung. Gần đây nhất, đã có 807 nghi phạm khác bị bắt ở Mianmar vào tháng trước, bao gồm 455 công dân Myanmar và 354 công dân Trung Quốc liên quan đến các hoạt động lừa đảo trực tuyến có tổ chức như trên.

Tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần phát cảnh báo tới người dân về các thủ đoạn lừa đảo đầu tư tiền điện tử trên mạng xã hội, thông qua các ứng dụng không được xác thực. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn thiếu hiểu biết và dính bẫy những kẻ tội phạm. Có những vụ, nạn nhân bị lừa tới hàng chục tỷ đồng mới vỡ lẽ rằng mình đã bị lừa.