Google tăng cường các biện pháp bảo mật cho Android, chống bị theo dõi

Google đang bổ sung một số tính năng mới vào hệ thống cảnh báo an toàn của Android, giúp người dùng có thể phát hiện những thiết bị theo dõi Bluetooth không mong muốn.

Đầu tiên trong số các tính năng mới được đề cập là “Find Nearby” (tìm gần đó). Tính năng này sẽ giúp người dùng định vị bất kỳ trình theo dõi ẩn nào. Nếu điện thoại của bạn nhấp nháy cảnh báo có trình theo dõi không xác định, hãy kiểm tra sự hiện diện của thiết bị đó bằng tính năng Play Sound (Phát âm thanh).

Khi âm thanh phát ra sẽ cho bạn biết có thiết bị ẩn đang âm thầm theo dõi mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc xác định và tìm kiếm cũng dễ dàng. Trong trường hợp thiết bị theo dõi bị che phủ dưới nhiều lớp hoặc hệ thống loa của thiết bị đó bị can thiệp thì việc tìm thấy nó gần như là không thể. Đối với những trường hợp như vậy, tính năng Find Nearby sẽ mở ra một bản đồ hướng dẫn chúng ta tìm đến thiết bị bị ẩn. Khi người dùng càng di chuyển đến gần thì vị trí thiết bị đó thì bản đồ sẽ tự động phóng to lên, đồng thời xuất hiện cập nhật bằng văn bản về tình trạng kết nối. Khi đến gần điểm được chỉ định, người dùng cũng có thể chạm vào tính năng Phát âm thanh để tìm kiếm một cách nhanh hơn.

tinh-nang-theo-doi-dt-1733997838.webp

Tính năng mới của Google cho phép kích hoạt âm thanh trên thiết bị theo dõi điện thoại của người dùng.

Để phòng ngừa thêm, trong những trường hợp không thể tìm thấy thiết bị theo dõi, người dùng cũng có thể sử dụng tính năng “tạm dừng chia sẻ vị trí” – tính năng này sẽ giúp vô hiệu hóa chia sẻ vị trí của điện thoại người dùng trong vòng 24 giờ, khiến cho thiết bị khả nghi không thể theo dõi vị trí điện thoại của bạn. Để kích hoạt tính năng này, cần truy cập tùy chọn “tôi không tìm thấy thiết bị theo dõi” và chọn “Tạm dừng”.

Trước đó, Google cũng đã triển khai nhiều biện pháp cảnh báo cho người dùng Android về việc thiết bị của mình có bị theo dõi hay không, đồng thời hướng dẫn chi tiết về cách vô hiệu hóa các thiết bị của nhiều nhà sản xuất như Chipolo, Motorola, Apple.

Công ty cũng khẳng định, hệ thống cảnh báo theo dõi sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thiết bị theo dõi, bao gồm mã định danh và địa chỉ email ẩn của chủ sở hữu, thậm chí 4 số cuối của điện thoại theo dõi trong một số trường hợp nhất định.

Vấn đề tìm kiếm và chống lại các thiết bị theo dõi đã được đặt ra từ cách đây nhiều năm khi người ta phát hiện ra tình trạng có các AigTag ẩn được gắn vào các phương tiện đang di chuyển để theo dõi người dùng. Apple đã phát hành ứng dụng “Tracker Detect” (phát hiện theo dõi) dành cho Android để giúp người dùng phát hiện ra những thiết bị khả nghi xung quanh. Tiếp đó, Google cũng đã bắt đầu phát triển hệ thống phát hiện theo dõi tự động của riêng mình và đã ra mắt chúng từ năm ngoái. Cho đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn đang liên tục bổ sung thêm các tính năng mới để bảo vệ người dùng của mình.

unknown-tracker-alert-hero-imagewidth-1600format-webp-1733997800.webp

Google vẫn đang phát triển các tính năng chống lại sự theo dõi cho các thiết bị sử dụng Android.

Hệ thống cảnh báo theo dõi không xác định do Google phát triển sẽ tự động hoạt động. Nhưng nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào, bạn có thể khởi chạy quét thủ công từ trong ứng dụng Cài đặt bằng cách làm theo các bước sau: An toàn & Khẩn cấp > Cảnh báo theo dõi không xác định > Quét ngay.

Công ty khẳng định: “Sự an toàn của bạn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, vì vậy chúng tôi liên tục cải thiện cảnh báo theo dõi không xác định để giúp bạn tránh được hành vi theo dõi không mong muốn.”