Phân tích mới của Michael Thomas – một nhà báo chuyên về hiện tượng nóng lên toàn cầu, được chia sẻ trên mạng xã hội X cho thấy, cả Google và Microsoft đều tiêu thụ một lượng điện năng cực lớn – 24 TWh tương đương số lượng sử dụng của cả nước Azerbaijan – nơi có GDP ước tính đạt 78,7 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia nhỏ tiêu thụ 19 TWh như Iceland, Ghana, cộng hòa Dominica và Tunisia.
Mức tiêu thụ điện bình quân đầu người thay đổi tùy theo mức độ phát triển. Thực tế, nhiều quốc gia có dân số ít nhưng lại tiêu thụ điện nhiều hơn những quốc gia có dân số đông. Đơn cử Ireland, với dân số chỉ 5 triệu người tiêu thụ 31 TWh, cao hơn hẳn Azerbaijan với 10,14 triệu dân.
Nhu cầu năng lượng của những gã khổng lồ công nghệ đang là rất lớn, vượt xa lượng tiêu thụ của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, điều đó cũng không lạ khi doanh thu của “big tech” thậm chí còn vượt xa GDP nhiều nước. Năm 2023, Google đạt doanh thu 305,6 tỷ USD. Để so sánh, GDP của Azerbaijan, quốc gia có mức tiêu thụ điện tương đương chỉ đạt 78 tỷ USD.
Theo Google, tác động kinh tế của họ thậm chí còn lớn hơn nhiều nhờ các công cụ như Google Search, Google Cloud và YouTube. Công ty ước tính đã góp phần tạo ra 739 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Đối với Microsoft, công ty đã công bố doanh thu 211,9 tỷ USD vào năm 2023. Đại đa số người tiêu dùng trên toàn cầu sử dụng Windows hoặc Office và nhiều ứng dụng trực tuyến chạy trên Azure, tác động kinh tế của gã khổng lồ này thậm chí có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Sự so sánh của Michael Thomas nêu bật nhu cầu năng lượng khổng lồ của các công ty công nghệ lớn, trong đó bao gồm các trung tâm dữ liệu khổng lồ của Google và Microsoft. Gần đây, cuộc đua về AI đã làm gia tăng hơn nữa nhu cầu năng lượng của các công ty. Ví dụ, chỉ tính riêng lượng điện dùng cho ChatGPT đã nhiều hơn 17.000 lần so với mức trung bình của một hộ gia đình mỗi ngày. Sản xuất năng lượng cũng cần nhiều nước. Chatbot của OpenAI cần lượng nước còn nhiều hơn một lò phản ứng hạt nhân. Công nghệ càng phát triển, đòi hỏi sức mạnh tính toán càng cao, nhu cầu năng lượng càng lớn. Đặc biệt với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo hiện nay, nhu cầu điện năng để đào tạo AI còn lớn gấp nhiều lần so với những công nghệ trước đó.
Tác động môi trường của việc tiêu thụ này cũng phụ thuộc vào cách sản xuất điện. Đây là lý do tại sao Google đang hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải carbon ròng vào năm 2030 bằng cách ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp cho các máy chủ của mình. Tuy nhiên, vào năm 2023, lượng khí thải CO2 của Google này đã tăng lên và mục tiêu đầy tham vọng về phát thải ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Vốn hóa thị trường của Google hiện là 2,294 nghìn tỷ USD và Microsoft là 3,372 nghìn tỷ USD, hiện là công ty có giá trị thứ tư và thứ hai trên thế giới. Với phạm vi hoạt động và mức độ sử dụng năng lượng điện của hai công ty này còn lớn hơn nhiều quốc gia đã khiến sự chú ý của dư luận tập trung hơn vào họ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu đang ngày càng căng thẳng.