Hà Nội: Cuộc sống của người dân đảo lộn khi cả tuần "sống chung với lũ"

Bà Hiệp bảo, vào mùa này bà con ở xóm Bến Vôi vất vả lắm, lũ lên khiến cả xóm bị chia cắt, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Khó khăn nhất là nước sạch, phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền hay người dân phía bên ngoài.

Chật vật khi nước tràn đê, ngập nhà

Những ngày qua, nước tràn qua đê khiến nhiều làng, xã ven sông Bùi, sông Tích thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức của Hà Nội bị ngập nhà cửa, ruộng vườn, đường xá giao thông bị chia cắt.

Tại thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) nước ngập, người dân phải di chuyển bằng thuyền hoặc bè tự chế. Ông Phùng Xuân Lực - Trưởng thôn Nhân Lý cho biết, nước lũ tràn đê sông Bùi từ ngày 24/7, khiến nhà cửa bị ngập, nước cao gần bằng trận lũ lịch sử năm 2008. Tối ngày 27/7, nước rút một chút. Nhưng sang ngày 28/7, nước lũ lại dâng cao. Ông Lực thở dài bảo, không biết đến bao giờ nước lũ mới rút.

mua-lu-4-1722299531.jpg
Nhiều thôn, làng bị nước lũ chia cắt như trở thành "ốc đảo" (ảnh Phi Hùng/PLO)

Theo ông Lực, thôn Nhân Lý có 320 hộ dân thì 300 hộ bị ngập nước. Nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề do hoa màu bị hư hại, vật nuôi bị lũ cuốn, tài sản bị ngâm nước. Từ khi lũ về, điện mất, giao thông chia cắt, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Ghi nhận sáng ngày 29/7, con đường dẫn vào xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) vẫn bị chia cắt bởi nước lũ, có đoạn nước lũ cao 40 - 50 cm. Bà Nguyễn Thị Hiệp - người dân địa phương cho biết, xã có sông Tích chảy qua nên hầu như năm nào vào mùa này cũng ngập. Mực nước lũ năm nay chỉ thấp hơn trận lụt lịch sử năm 2008 khoảng 20cm.

Bà Hiệp bảo, vào mùa này bà con ở xóm Bến Vôi vất vả lắm, lũ lên khiến cả xóm bị chia cắt, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Khó khăn nhất là nước sạch, phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền hay người dân phía bên ngoài. 2 hôm trước, nước rút được 10cm. Nhưng đến hôm nay (29/7), nước lũ bắt đầu lại dâng cao trở lại và chưa biết bao giờ rút vì Hà Nội vẫn đang tiếp tục xuất hiện mưa lớn.

mua-lu-1722299531.jpg
Nước tràn đê gây ngập nhiều nhà dân (Ảnh: Phạm Tuấn/Tuổi trẻ)

Còn bà Hoàng Thị Kí kể, hôm nước bắt đầu dâng, làm việc gì cũng khó khăn, sáng sớm bà dậy đi chợ mà lặng người vì thấy nước đã tràn hết vào trong nhà, đồ đạc ướt hết. Sân và cổng nhà bị ngập gần mét rưỡi nên giờ đi đâu, bà phải leo qua cửa sổ để ra đường. Mỗi lần vào bắc bếp nấu ăn, bà như nấu ăn trên biển nước, phải loay hoay mất 30 phút mới nhóm được lửa do bếp rất ẩm ướt.

Di dời người dân khỏi vùng lũ

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (UBND huyện Chương Mỹ) cho biết, qua thống kê, mưa lũ đã khiến 601m kênh mương bị hư hỏng; ngập 5.515m đoạn đê ở 11 xã gồm Quảng Bị, Phú Nghĩa, Hồng Phong, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú.

mua-lu-2-1722299531.jpg
Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Thành uỷ Hà Nội trực tiếp thị sát tại xã Tân Tiến (ảnh Khắc Hiếu/Thanhnien)

Mưa lũ còn khiến 37m đê tại xã Quảng Bị và Phú Nghĩa bị sạt lở, đập Vai Vàng bị sạt lở 100m, trạm bơm Lải Cao bị ngập sâu trong nước (xã Tân Tiến)... Đường giao thông nội đồng bị ngập 134.450m, sạt lở 407m. Đường giao thông nông thôn bị ngập 33.740m.

Điều đáng nói, mưa lũ đã khiến 1.239 nhà dân ở huyện Chương Mỹ bị ngập từ 0,5 - 2m và 1.231 hộ dân bị ngập lối đi. 1.874 con gia súc và 184.912 con gia cầm bị ảnh hưởng cùng nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho hay, khi nước sông tràn qua đê, lực lượng chức năng đã tập trung di dời các hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt. Lực lượng chức năng đã huy động hơn 4.700 người và 199 phương tiện tham gia. Đến nay, còn hơn 700 hộ (khoảng hơn 1.000 người) vẫn ở vùng ngập lụt. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tập trung cung cấp nước sạch và lương thực cho bà con vùng lũ.

Trong những ngày tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các phương án ứng phó phù hợp, đồng thời kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn và sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người dân vùng ngập lụt.

mua-lu-3-1722299531.jpg
Cuộc sống của người dân đảo lộn vì lũ về (Ảnh: Hoàng Phong/VnEpress)

Trước thực tình trạng nhiều thôn, làng xã ven sông Bùi, sông Tích bị cô lập do nước lũ, chiều ngày 29/7, bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã trực tiếp thị sát tại xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) - một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng.

Bà Hoài khẳng định vấn đề quan trọng nhất hiện nay là bảo vệ tính mạng người dân. Bà yêu cầu bằng mọi cách, kể cả cưỡng chế di dời khẩn cấp 700 hộ dân, bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm người yếu thế. Dự báo thời tiết những ngày tới còn phức tạp, vùng ngập có thể kéo dài 10 - 15 ngày.

Ngoài ra, bà Hoài cũng yêu cầu lực lượng chức năng khẩn cấp bảo đảm an toàn tuyến đê sông Bùi. Huyện Chương Mỹ phải cử cán bộ ngày đêm theo dõi an toàn tuyến đê này.

Khoảng 15 năm trở lại đây, nước đã 4 lần tràn qua đê Hữu Bùi gây ngập lụt tại nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Lần đầu vào năm 2008, khi Hà Nội trải qua trận lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai là vào tháng 10/2017. Lần thứ ba là vào tháng 7/2018 và đây là lần thứ tư.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, trong 3 ngày tới, miền Bắc mưa lớn. Trọng tâm mưa là trung du và vùng núi phía Bắc với lượng mưa 70mm - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Đồng bằng mưa ít hơn, phổ biến 50mm - 150 mm, có nơi trên 200mm. Mưa lớn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt ở vùng trũng thấp và nguy cơ sạt lở, lũ quét ở vùng cao.