Hà Nội: Đốc thúc hoạt động của các đội bắt chó thả rông

Hà Nội vừa ra công văn đốc thúc quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động của các đội bắt chó thả rông, đồng thời yêu cầu lập sổ quản lý chó mèo nuôi trên địa bàn.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành công văn yêu cầu các sở liên quan cùng UBND quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Trong đó, thành phố đốc thúc quận, huyện tăng cường hoạt động của các đội bắt chó thả rông và cập nhật, lập sổ quản lý chó mèo nuôi trên địa bàn.

cho-tha-rong-1-1713323896.jpg
Chó thả rông trên đường không rọ mõm

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại động vật tại các quận, huyện, thị xã.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra ổ dịch, trao đổi, chia sẻ thông tin dịch bệnh dại trên người và động vật theo quy định. Đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại động vật...

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và thực hiện ngay kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại trong hệ thống trường phổ thông.

Với UBND các quận, huyện, thị xã, Hà Nội yêu cầu địa phương thực hiện phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; chỉ đạo của Thủ tướng cùng bộ ngành liên quan.

cho-tha-rong-1713323896.jpg
Hà Nội đốc thúc hoạt động của các đội bắt chó thả rông

Lãnh đạo các địa phương được yêu cầu chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo nuôi, cần cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn.

Đáng chú ý, thành phố đốc thúc các quận, huyện, thị xã thành lập, duy trì và tăng cường hoạt động có hiệu quả các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.

Đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn vật nuôi.

cho-tha-rong-3-1713323896.jpg
Nhiều người lo lắng khi gặp chó chạy rông tại công viên

Ngày 3/3, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành một công văn có nội dung tương tự. Nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa thúc đẩy, khởi động lại các đội bắt chó thả rông. Lãnh đạo một phường thuộc quận Hoàng Mai cho biết, công tác tổ chức các đội bắt chó thả rông chỉ duy trì được một thời gian ngắn vì thiếu cơ chế, chính sách cho những người tham gia hoạt động này. Chó, mèo sau khi bị bắt lại cũng khó quản lý vì không có nơi nuôi nhốt riêng.

Do đó, thời gian qua phường áp dụng chủ yếu hình thức tuyên truyền, vận động và nhắc nhở chủ vật nuôi khi phát hiện chó mèo thả rông. Song song với đó, chủ vật nuôi phải ký cam kết chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại.

Với những nguyên nhân trên nên đến thời điểm hiện tại, tình trạng người nuôi thả chó chạy rông phóng uế nơi đường phố, ngõ xóm, công viên, vườn hoa vẫn diễn ra khắp nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đáng lo ngại là những con chó thả rông này không hề được rọ mõm, gây nguy cơ lớn bệnh dại.

cho-tha-rong-2-1713323896.jpg
Nhiều chủ thả chó ra nơi công cộng mục đích chính là để cho chúng phóng uế

Pháp luật quy định rõ, chủ vật nuôi sẽ bị xử phạt khi ra đường không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Tuy nhiên, tình trạng người dân dắt chó hoặc thả chó chạy rông ngoài đường không rọ mõm nơi cộng cộng khá phổ biến. Nhiều chủ dắt chó cưng ra nơi công cộng mục đích chính là để cho chúng phóng uế.

Cũng theo quy định của pháp luật, người nuôi phải tiêm phòng dại cho chó, mèo. Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi chó, mèo phớt lờ việc tiêm phòng dịch. Tại một điểm tiêm phòng chó, mèo ở điểm Trường Tiểu học Thanh Lương, dù được tổ dân phố dán thông báo tuyên truyền vận động mang chó, mèo đi tiêm vào sáng Chủ Nhật (ngày 15/4). Nhưng đến cuối buổi sáng, chỉ có hơn 100 con chó, mèo được chủ đưa đến tiêm. Mỗi vật nuôi sau tiêm phòng dại sẽ được cấp giấy chứng nhận của ngành Thú y.

Thống kê mới nhất từ Cục Y tế dự phòng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Nhiều ổ dịch chó dại đã liên tiếp bùng phát tại các tỉnh, thành phố.