Hà Nội: Dự án chợ dân sinh Lệ Chi 9 năm vẫn chỉ là bãi đất hoang

Dù đã được phê duyệt và lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2015 nhưng tới nay, dự án xây dựng chợ dân sinh xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn là bãi đất trống bị bỏ hoang.

Xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) là xã rộng với 6 thôn và 1 cụm cư dân. Tại địa bàn xã có đường giao thông liên tỉnh kết nối với thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Lệ Chi còn có nhiều cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn nên nhu cầu giao thương khá lớn.

Năm 2008, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu giao thương trên địa bàn xã Lệ Chi, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình xây dựng chợ dân sinh xã Lệ Chi.

cho-coc-le-chi-1724643157.jpg
Người dân chiếm dụng lòng đường bán hàng tại thôn Kim Hồ, xã Lệ Chi (Ảnh: Thanh Bình - Hà Nội mới)

Theo đó, quỹ đất xây dựng chợ được xác định tại vị trí ao Cây Trôi thuộc quỹ đất công do UBND xã Lệ Chi quản lý. Sau đó, khu đất này được chính quyền địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng và quây tôn toàn bộ.

Tháng 11/2013, quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 xây dựng chợ dân sinh Lệ Chi được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt.

Năm 2015 nhà đầu tư dự án cũng được lựa chọn là Hợp tác xã thương mại Việt Phương.

Chợ dân sinh Lệ Chi có tổng diện tích 16.729m2. Trong đó, 6.643m2 là diện tích xây dựng công trình; 2.694m2 là diện tích ngoài trời; 5.992m2 là diện tích sân, đường giao thông; 810m2 là diện tích trồng cây xanh; khu vực để xe rộng 590m2.

cho-le-chi-1-1724643216.jpg
Dù đã cấm họp chợ nhưng người dân vẫn bày háng hóa bán tràn lan trên vỉa hè, lòng đường (Ảnh: Văn Ngô - Lao động)

Tuy nhiên kể từ đó cho tới nay đã 9 năm, dự án vẫn “án binh bất động” khiến người dân không có chợ để tụ họp, dẫn tới tình trạng chợ “cóc”, chợ tự phát lấn chiếm lòng đường và vỉa hè, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Một trong số những địa điểm người dân họp chợ tự phát đông nhất là khu vực ngã ba đường liên tỉnh thuộc địa phận thôn Kim Hồ (xã Lệ Chi). Tại đây cảnh người bán, kẻ mua ồn ào, bày hàng hóa và dựng xe chiếm dụng lòng lề đường tạo nên khung cảnh lộn xộn, gây mất an toàn giao thông, đồng thời làm cho bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.

Không chỉ vậy, tuyến đường liên tỉnh tại thôn Kim Hồ vào giờ tan tầm có nhiều phương tiện lưu thông nên thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài.

Một người dân sống gần khu chợ “cóc” cho biết, lúc đầu chỉ vài hộ dân mang rau cỏ ra bán nhưng do thấy buôn bán được nên các hộ khác cũng làm theo.

Được biết, trong bán kính gần 2km xung quanh thôn Kim Hồ, không có khu chợ nào cho người dân buôn bán, kinh doanh.

Những tiểu thương buôn bán ở chợ “cóc” cho hay, cực chẳng đã mới phải đứng ở dọc đường vừa bụi bặm, vừa mất an toàn để bán hàng. Họ chỉ mong chợ Lệ Chi nhanh chóng triển khai để sớm có địa điểm buôn bán ổn định.

Những năm qua, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên xã Lệ Chi với mong muốn sớm đẩy nhanh việc xây dựng chợ nhưng vẫn chưa có kết quả.

cho-le-chi-2-1724643276.jpg
Sau 9 năm "án binh bất động", dự án chợ dân sinh Lệ Chi vẫn chưa có động thái mới (Ảnh: Lao động)

Lý giải về việc chậm trễ này, ông Đào Văn Cải – Phó Chủ tịch UBND xã Lệ Chi nói, UBND xã đã bàn giao mặt bằng khu ao Cây Trôi cho nhà đầu tư để tiến hành xây dựng dự án. Việc chậm tiến độ là do có giai đoạn Hợp tác xã thương mại Việt Phương có ý định xin chuyển đổi dự án xây dựng chợ dân sinh sang mô hình nhà ở thương mại phức hợp. Tuy nhiên sau đó không thực hiện được.

Những năm gần đây, xã Lệ Chi đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc nỗ lực xóa chợ tạm, "chợ cóc". Tháng 6/2024, UBND xã Lệ Chi đã gửi công văn đề nghị UBND huyện Gia Lâm cùng các cơ quan ban, ngành xem xét thực hiện xây dựng chợ Lệ Chi như đã được phê duyệt.

Cũng thời điểm này, khi báo chí phản ánh về tình trạng chợ Lệ Chi bị chậm tiến độ nhiều năm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, đã nắm được thông tin và sẽ chỉ đạo quyết liệt.

Vị Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, theo phân cấp, trách nhiệm chậm trễ này thuộc về UBND huyện Gia Lâm. Thời gian tới thành phố sẽ giao Sở Công Thương TP. Hà Nội tổ chức họp giao ban để đôn đốc.