Hà Nội dự kiến chi hơn 17.000 tỷ mở rộng gấp đôi đường Láng, tháo gỡ nút thắt giao thông

Sở GTVT đang đề xuất TP. Hà Nội thực hiện dự án mở rộng đường Láng nối từ Ngã tư Sở đến Cầu Giấy. Theo đó tuyến đường rộng mỗi làn 10,5m được đề xuất lên 53,5m, tổng mức đầu tư trên 17.000 tỷ đồng.

Liên quan đến 11 dự án công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi.

Trong số 11 dự án có dự án mở rộng tuyến đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Sở GTVT đề xuất thành phố giao BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố nghiên cứu phương án, làm cơ sở triển khai dự án này trong giai đoạn 2026 – 2030.

duong-lang-3-1715143805.jpg
Đường Láng hiện đang đang có mặt cắt ngang 21m (Ảnh: Quang Thái - Hanoimoi)

Dự kiến sẽ ưu tiên triển khai đoạn dưới thấp tức là đường Láng hiện tại. Theo đó, đoạn đường Láng dài 3,8km đang có mặt cắt 21m sẽ được mở rộng lên thành 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục đô thị chính. Tổng vốn đầu tư của dự án là 17.241 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 16.700 tỷ đồng, chi phí xây lắp là 541 tỷ đồng.

Dự án có các hạng mục đầu tư chủ yếu là: giải phóng mặt bằng, nền mặt đường, vỉa hè, hào kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, nghiên cứu đồng bộ các nút giao.

Đoạn trên cao vành đai 2 với chiều dài 3,8km, phương án dự kiến thiết kế mặt cắt ngang là 19m, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư của đoạn trên cao hơn 3.800 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2026 – 2030.

Mục tiêu triển khai dự án này là nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở. Đồng thời phát huy hiệu quả tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở.

duong-lang-1-1715143927.jpg
Vị trí, hướng tuyến đường Láng dự kiến được mở rộng (Ảnh: Võ Hải - VnExpress)

Sở GTVT TP. Hà Nội cho biết, đường Láng hiện tại rộng 10,5m mỗi chiều, đáp ứng lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện giao thông/giờ. Tuy nhiên hiện nay, lương lượng trên tuyến đường này lên tới 8.000 phương tiện/giờ. Đây là nguyên nhân chính khiến cho khu vực này trở thành điểm nóng giao thông, thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Vành đai 2 là tuyến đường giao thông nội đô dài 43,6km có vai trò khép kín TP. Hà Nội. Tuyến đường này di chuyển qua các khu vực: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Vành đai 2 có 2 cây cầu vượt sông Hồng là cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân. Ngoài ra tuyến đường còn có 1 cầu vượt sông Đuống là cầu Đông Trù.

Hiện đường Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng hiện tại) chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.

duong-lang-2-1715143996.jpg
Nút giao Ngã Tư Sở thường xuyên ùn tắc (Ảnh: Minh Hiếu - Kinhtedothi)

Ngoài dự án mở rộng đường Láng, Sở GTVT còn đề xuất nghiên cứu tiền khả thi với các dự án khác: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây – Hòa Lạc, Xuân Mai; Dự án cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu; Đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh; Cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 21B từ đường tỉnh 424 đến hết địa phận huyện Ứng Hòa; Đường Tây Thăng Long đoạn từ tỉnh lộ 417 đến trục kinh tế Bắc – Nam; Cầu vượt đường Lê Trọng Tấn ( Q. Hà Đông) với Quốc lộ 6. Cùng với đó là 4 dự án hầm.

Hầu hết các dự án này đều là dự án đầu tư công. Riêng dự án xây cầu Trần Hưng Đạo (thuộc địa bàn Q. Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên) được đầu tư theo hình thức PPP.