Hà Nội: Gần 370.000 cơ sở kinh doanh thương mại điện tử lọt “tầm ngắm”

Thông tin từ Cục thuế TP Hà Nội cho biết, đang chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 cơ sở, tương ứng 197.848 mã số thuế.

Tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố do ngành thuế thực hiện 245.034 tỷ đồng, đạt 64,2% dự toán và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, cơ quan tập trung quản lý thuế, đối tượng với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).

thu-thue-tmdt-1721292493.jpg
Hà Nội tập trung quản lý thuế, đối tượng với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử

Theo đó, tính đến tháng 6/2024, Cục Thuế Hà Nội đã định danh và tổng hợp được dữ liệu lớn về TMĐT gồm 418 doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT, 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm và nội dung số, 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú…thu được 9.900 tỉ đồng tiền thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Trong đó, riêng khối sàn TMĐT đạt 2.500 tỉ đồng, khối doanh nghiệp đạt 6.700 tỉ đồng, khối hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh đạt 700 tỉ đồng.

Cơ quan thuế cũng đang chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 cơ sở kinh doanh TMĐT. Con số này tương đương với các hộ kinh doanh truyền thống mà Cục Thuế đang quản lý.

Đối với công tác phòng chống gian lận hóa đơn điện tử, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã hoàn thành gần 6.700 cuộc thanh, kiểm tra với tổng số thuế truy thu, truy hoàn và phạt là 1.531 tỉ đồng; giảm khấu trừ là 363 tỉ đồng, giảm lỗ 2.296 tỉ đồng.

Theo ông Vũ Mạnh Cường – Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, trên cơ sở thực hiện Đề án số 06 và Chỉ thị 18 của Chính phủ việc khớp nối thông tin căn cước công dân và mã số thuế với tỷ lệ rà soát lên đến 99,8%. Việc có được dữ liệu dòng tiền tài khoản ngân hàng, dữ liệu vận chuyển, dữ liệu nhân thân để xác định được chính xác dòng tiền, dòng hàng, nghĩa vụ thu ngân sách với người nộp thuế.

tmdt-1721292614.jpg
Mọi thông tin bán hàng đều được cơ quan thuế thu thập, xác thực và yêu cầu nộp thuế đầy đủ, bổ sung nếu kê khai chưa đủ

Theo chị Thu Hương – Giám đốc một doanh nghiệp thời trang trên sàn TMĐT tại Hà Nội cho biết, kể từ đầu năm 2024 đến nay mọi thông tin bán hàng đều được cơ quan thuế thu thập, xác thực và yêu cầu nộp thuế đầy đủ, bổ sung nếu kê khai chưa đủ.

Tương tự, chị Thu Huyền – phụ trách bán hàng trên sàn TMĐT của nhãn hàng thực phẩm khô cho biết, cũng như các cá nhân kinh doanh khác, căn cứ vào kết quả kinh doanh, việc cập nhật và cung cấp thông tin kinh doanh trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế, nghĩa vụ thuế cũng dễ dàng thực hiện. Cũng theo chị Huyền, cán bộ thuế chủ động liên hệ để phổ biến chính sách, hỗ trợ người bán hàng kê khai và nộp thuế.

Về bức tranh toàn cảnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử khoảng 50.000 tỉ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023. Các phiên livestream có doanh thu hàng trăm tỉ, thu nhập ra sao, dòng tiền qua ngân hàng nào, đã kê khai đóng thuế hay chưa…Tất cả những thông tin này của hơn 53.000 người đang kinh doanh trên 283 sàn TMĐT đã được cơ quan thuế thu thập và quản lý.

Đối với lĩnh vực quản lý thuế các nhà cung cấp nước ngoài, trong 6 tháng qua, đã có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài mới đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam, nâng tổng số nhà cung cấp nước ngoài lên 102, với số tiền đã khai, nộp là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó số thu chủ yếu đến từ những cái tên quen thuộc như: Meta, Google, Tiktok, Apple…