Hà Nội: Giá tại chợ tăng cao, nhiều người chọn mua rau củ trong siêu thị

Hiện tại, giá rau xanh ở nhiều chợ đã tăng cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm trước bão. Như rau ruống trước bão chỉ 10.000 đồng/mớ, nay lên tới 35.000 đồng, trong khi siêu thị dao động 15.000 - 17.000 đồng/kg. Nhiều bà nội chợ cũng vì thế mà “quay xe” chọn mua ở siêu thị.

Chị Nguyễn Thị Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội) thường mua rau củ tại chợ truyền thống. Thế nhưng cả tuần nay, chị lại vào siêu thị nhỏ gần đó để mua rau. Chị Thanh cho biết, rau xanh tại chợ tăng giá rất cao, như rau muống tới 35.000 đồng/mớ, thậm chí có hôm chị hỏi còn lên tới 40.000 đồng. Chị mua 2 quả cà chua nhỏ mà cũng hơn 20.000 đồng.

Trong khi đó, giá rau tại các siêu thị được bình ổn nên có giá mềm hơn như bắp cải 22.000 đồng/kg, rau muống dao động 15.000 - 17.000 đồng/kg tùy hôm, cải xanh 12.900 đồng/kg… Chị Thanh bảo, so với chợ thì rau trong siêu thị không tươi mới bằng. Nhưng thời điểm này, chị ưu tiên về giá cả hơn.

rau-cu-2-1726654502.jpg
Nhiều bà nội trợ chọn mua rau trong siêu thị vì giá rẻ hơn ngoài chợ (Ảnh: Thu Hằng/Thanh Niên)

Chị Trần Thúy Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vào siêu thị gần nhà để mua rau. Chị cho hay đã bị “sốc” khi giá nhiều loại rau tăng gấp 2 - 3 lần trước bão. Chị biết sau bão, các vùng canh tác hoa màu ven Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng, nhưng chị không ngờ rằng giá cả lại tăng “chóng mặt” như vậy.

Bà Thu chuyên bán rau tại chợ cóc ở khu An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, mưa lớn gây ngập úng tại các vườn rau ngoại thành Hà Nội khiến rau bị hư hỏng nhiều, nguồn cung bị thiếu hụt nên mới khiến giá rau, củ tăng cao như hiện nay. Nhiều hôm bà đi nhập hàng về bán còn thiếu hụt nhiều loại.

Ông Đức - chủ một cửa hàng gạo ở Vạn Phúc (Hà Nội) cho biết, dù đã lấy thêm 5 tạ gạo trước bão lũ nhưng chỉ trong hơn 2 ngày sau bão, ông đã bán hết sạch. Nguyên nhân là do người dân tăng mua dự trữ, trong khi các đầu mối chưa thể cung ứng kịp. Phải đến đầu tuần này, ông mới nhận được hàng nhưng phải chấp nhận mức giá bán buôn tăng thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/bao gạo 10kg.

Trước tình trạng tăng giá hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo sở công thương và các doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh nhập rau củ quả từ miền Trung, miền Nam để đưa ra các hệ thống phân phối tại miền Bắc. Nhiều đơn vị đã tăng tần suất xe chở hàng 3 - 5 lần so với bình thường để đưa về các kho hàng phía Bắc. Do đó, hàng hóa cơ bản được đáp ứng.

Tại một số chợ truyền thống, ngoài rau củ, thịt cá tăng giá thì một số loại đồ khô như mì gói, miến, bún khô… cũng tăng nhưng không đột biến. Nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.

rau-cu-1726654503.jpg
Nhiều đơn vị đã tăng tần suất xe chở hàng 3 - 5 lần so với bình thường để đưa về các kho hàng phía Bắc

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần lương thực thực phẩm Colusa-Miliket cho hay, vài ngày qua, đơn vị đã tăng công suất sản xuất với các mặt hàng chính như mì, phở, hủ tíu... nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường phía Bắc. Do việc sản xuất ở thị trường phía Bắc có thời điểm không thuận lợi, trong khi nhu cầu thị trường tăng khoảng 20 - 30% so với bình thường nên đơn vị mới phải tăng cường từ miền Nam ra để hỗ trợ.

Còn bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây (TP. HCM) cũng cho hay, doanh nghiệp lên kế hoạch tăng ca để đáp ứng lượng phở, mì, bún khô các loại... cho thị trường với giá bình ổn. Hiện lượng nguyên liệu dự trữ của doanh nghiệp có thể sản xuất được trong 3 - 4 tháng. Nhân công có thể huy động tăng ca. Thị trường cần tới đâu, doanh nghiệp sản xuất tới đó.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Tiến Dũng - Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho hay, thời điểm này các doanh nghiệp đang chuẩn bị hàng Tết, nên nhiều doanh nghiệp đang dự trữ lượng lớn nguyên phụ liệu có thể dùng trong 3 - 4 tháng. Do đó, các doanh nghiệp dễ dàng tăng lượng hàng sản xuất khi cần. Nhìn chung, hoạt động sản xuất và phân phối, giá cả đều ổn định.

Nhiều doanh nghiệp lương thực thực phẩm phía Nam cho biết vẫn đang tiếp tục tăng lượng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao sau bão lũ tại phía Bắc, đồng thời khẳng định sẽ giữ giá hàng hóa ổn định, thậm chí khuyến mãi 15 - 30%.

Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương ưu tiên tạo điều kiện hỗ trợ trong vận chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu tới vùng bị chia cắt, cô lập sau mưa lũ và điều hòa nguồn cung hàng hóa từ khu vực ít bị ảnh hưởng đến khu vực bị ảnh hưởng nặng...