Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Sẽ ùn tắc nghiêm trọng nếu tiếp tục "thả rông" phương tiện cá nhân

Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, mỗi năm, số lượng phương tiện giao thông tại thành phố tăng thêm hàng trăm nghìn chiếc. Nếu tiếp tục “thả rông” như hiện nay, sẽ không thể giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông. Cần có các chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý vấn đề này.

Ám ảnh tắc đường

Những ngày qua, các tuyến phố ở Hà Nội luôn trong tình trạng đông đúc, nhiều nơi xảy ra ùn tắc cục bộ. Dù không phải giờ cao điểm, các trục đường như Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Tây Sơn, Khuất Duy Tiến, Hoàng Minh Giám, Minh Khai (đoạn từ chân cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động)… luôn đông nghẹt.

Anh Nguyễn Hoàng Thắng (Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, từ đường Nguyễn Văn Cừ, anh phải chờ đến 4 nhịp đèn đỏ mới có thể vượt qua nút giao thông trước cầu Chương Dương để sang cơ quan trên đường Bà Triệu. Rời nhà lúc 7h20, anh mất gần 30 phút mới qua được cầu, dù quãng đường chỉ hơn 6km.

tac-duong-1-1737139530.jpg
Tình trạng tắc đường tại Hà Nội nghiêm trọng hơn trong những ngày gần đây (Ảnh: Đình Huy)

Chị Bùi Vân Ly - chủ cửa hàng quần áo trên đường Trường Chinh cũng gặp khó khăn dù không di chuyển vào giờ cao điểm. Sống tại Hà Đông, chị mất hơn 40 phút để đi quãng đường chỉ 8km từ nhà tới cửa hàng. Chị Ly cho biết, ngay tại ngã tư Vạn Phúc - Quang Trung, trước đây mỗi lần đèn đỏ, xe chỉ nối dài khoảng 300m. Nhưng từ đầu tháng 1/2025, xe nối thành hàng dài gần 700m, chờ đèn xanh đến 3 lần mới qua được.

Tương tự, chị Nguyễn Hà An (quận Thanh Xuân) cũng ám ảnh vì ùn tắc giao thông. Chị An đang làm việc ở Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Dù rời cơ quan ngay lúc tan làm là 17h30, chị vẫn không thể kịp về ăn tối cùng gia đình. Chị An cho biết, nút giao Đại lộ Thăng Long vào Phạm Hùng và nút Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển luôn tắc từ chiều đến gần 8 giờ tối. Do đó, chị thường nán lại cơ quan đến 18h30 để chờ đường bớt tắc mới về.

Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn đang diễn biến phức tạp, với nhiều điểm ùn tắc mới xuất hiện. Nguyên nhân chính là do lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của đô thị, và khả năng đáp ứng của hệ thống vận tải công cộng còn hạn chế.

Theo ông Thường, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân những năm gần đây rất đáng báo động, trung bình tăng 5% mỗi năm, riêng ô tô tăng tới 10%/năm. Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chỉ đạt khoảng 0,03% mỗi năm. Nếu không triển khai các giải pháp căn cơ và đồng bộ, hạ tầng giao thông sẽ không thể theo kịp sự gia tăng phương tiện cá nhân.

Thủ đô hiện có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, bao gồm khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Ngoài ra, còn có hơn 1 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn. Trong khi, diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội chỉ đạt 12,13%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 20 - 26% theo quy hoạch.

tac-duong-2-1737139530.jpg
Tình trạng tắc đường diễn ra cả khi không phải giờ cao điểm (Ảnh: NLĐO)

Hạn chế phương tiện cá nhân

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ 20, ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, quản lý phương tiện cá nhân là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay. Trước đây thành phố còn thận trọng và chịu nhiều ảnh hưởng từ dư luận trong việc xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải đối diện trực diện với vấn đề.

Mỗi năm, số lượng phương tiện giao thông tại Hà Nội tăng thêm hàng trăm nghìn chiếc. Nếu tiếp tục “thả rông” như hiện nay, sẽ không thể giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông. Cần có các chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý vấn đề này.

Trao đổi trên Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng nhận định, nguyên nhân chính của ùn tắc là sự gia tăng không kiểm soát của phương tiện cá nhân trong khi cơ sở hạ tầng giao thông không phát triển kịp, đặc biệt là thiếu cầu vượt và hầm chui tại các nút giao cắt. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến thời gian di chuyển, tiêu hao công sức, nhiên liệu, đồng thời tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của người dân, làm giảm hiệu quả công việc.

Để giải quyết vấn đề, ông Thái cho rằng cần sớm điều chỉnh quy hoạch đô thị, hạn chế xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong khu vực nội đô, vì mật độ dân số gia tăng không tương ứng với năng lực phát triển giao thông. Đồng thời, cần có lộ trình giảm dần phương tiện cá nhân.

Hà Nội hiện đang triển khai kế hoạch hạn chế phương tiện cá nhân tại một số quận nội thành. Ông Thái đánh giá đây là bước đi cần thiết nhưng nhấn mạnh rằng việc thực hiện cần có lộ trình phù hợp vì không thể thực hiện ngay lập tức. Việc giảm phương tiện cá nhân cần đi đôi với các giải pháp khác để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Không thể chỉ đơn giản nói “cấm” mà không đưa ra phương án thay thế.

Đưa ra giải pháp trong năm 2025, ông Nguyễn Phi Thường khẳng định, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý các điểm ùn tắc còn tồn tại, có giải pháp cho 230 điểm đang có nguy cơ ùn tắc.