Thời gian gần đây, quanh hồ Trúc Bạch (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) xuất hiện một “rừng trúc” nhỏ rất đẹp, thu hút người dân Thủ đô và cả du khách tới tham quan, chụp ảnh. Theo lãnh đạo UBND phường Quán Thánh, rừng trúc nhỏ nằm trong kế hoạch cải tạo, chỉnh trang ven hồ Trúc Bạch. Trúc được trồng ở khu vực đầu đường Thanh niên giáp với đường Trấn Vũ từ tháng 11/2023.
Đây là lần đầu tiên một điểm công cộng trong nội thành Hà Nội được trồng trúc sào. Khoảng 7.500 cây trúc sào đã được trồng trên diện tích 1.000m2. Những cây này chủ yếu được chở về từ Cao Bằng. Ghi nhận thực tế, cây trúc cao khoảng 3 - 5 mét, được cố định bằng cọc và dây thép để đảm bảo cây đứng thẳng, không xô ngã. Trúc đã bắt đầu ra lá, tạo màu xanh độc đáo thu hút người dân và du khách.
Để tạo thẩm mỹ, dưới gốc cây còn được trồng thêm cỏ và giữa mỗi luống là lối đi được làm bằng phiến đá lớn. Người dân và du khách khi tới đây thư giãn có thể nghỉ chân tại ghế ngồi được bố trí xung quanh “rừng trúc”.
Một vị đại diện UBND quận Ba Đình chia sẻ, thời trước ven hồ Trúc Bạch có những rặng trúc ven hồ và xưởng làm lụa bạch – lụa tơ tằm của người dân. Việc trồng trúc ven hồ Trúc Bạch không chỉ để cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát huy các giá trị văn hoá, di tích… trên địa bàn quận mà còn mang ý nghĩa khơi gợi, “phục dựng” được hình ảnh nổi tiếng của ngày xưa.
Vị này chia sẻ thêm, trúc khác với tre là không tạo bụi rậm rạp. Trúc được trồng ven hồ Trúc Bạch sẽ được kiểm soát, không đẻ nhánh, tạo bụi, cành rậm rạp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, xáo trộn cảnh quan. Trước đây, trúc đã xuất hiện nhiều ven hồ Trúc Bạch vì hợp thổ nhưỡng. Khoảng 3 - 5 tháng nữa, rặng trúc ven hồ sẽ xanh tốt và đẹp hơn rất nhiều. Dù vậy, phía quận vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu xem hiện nay trúc còn phù hợp thổ nhưỡng không để điều chỉnh cho phù hợp.
Thời gian qua, ngoài khu vực hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình cũng chỉnh trang nhiều vườn hoa, công viên ở nhiều tuyến phố nhằm khắc phục sự xuống cấp của hạ tầng đô thị. Quận còn xây mới 6 vườn hoa tại phường Vĩnh Phúc và Kim Mã.
Trúc sào là loại thân đốt, cao trung bình 10m. Ở Việt Nam, trúc sào được trồng chủ yếu tại Cao Bằng và Hà Giang. Ngoài trồng để lấy măng, làm cảnh, trúc sào còn được sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ.