Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp lớn vi phạm phòng cháy chữa cháy đã quá hạn khắc phục

Hà Nội vừa có công văn yêu cầu 29 cơ sở khẩn trường khắc phục ngay các vi phạm về phòng cháy chữa cháy đã quá thời hạn cam kết. Nếu những cơ sở này còn chây ỳ, không chịu khắc phục thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội vừa ký công văn số 1826/UBND-NC về việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, khắc phục triệt để những tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở nhà cao tầng.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu khẩn trương thực hiện khắc phục ngay các nội dung còn tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại 29 cơ sở đã quá thời hạn cam kết. Trước đó, trong các ngày từ 22/11/2023 - 16/12/2023 và 27/3/2024 - 29/3/2024, Công an TP. Hà Nội đã phối hợp Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an tổ chức kiểm tra, phúc tra, hướng dẫn khắc phục những tồn tại, vi phạm về PCCC với 29 cơ sở nhà cao tầng do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và một số đơn vị đứng tên pháp nhân làm chủ đầu tư.

29-co-so-1-1718347173.jpg
Hà Nội vừa có công văn yêu cầu 29 cơ sở khẩn trường khắc phục ngay các vi phạm về phòng cháy chữa cháy

Nhằm đảm bảo an toàn về PCCC tại các cơ sở trên, UBND thành phố yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc CIENCO5, Công ty Cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes, Khách sạn Mường Thanh Hà Nội Centre - Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh, Chi nhánh Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Khách sạn Mường Thanh Hà Nội nghiêm túc tổ chức khắc phục ngay các nội dung tồn tại vi phạm về PCCC.

Cơ sở nào vẫn cố tình chây ỳ, không thực hiện khắc phục, không bảo đảm tiến độ thời hạn đã cam kết, các cơ quan quản lý Nhà nước kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động… với bộ phận, hạng mục, công trình vi phạm. Đồng thời, thu thập, củng cố hồ sơ để điều tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Các chủ đầu tư thực hiện ngay các biện pháp tăng cường để bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở, trọng tâm thường xuyên tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC trong phạm vi quản lý; lựa chọn những nhân tố tích cực, có kiến thức và kỹ năng về PCCC để xây dựng, thành lập lực lượng PCCC tầng nhà, tòa nhà, lập các điểm chữa cháy công cộng; tăng cường tổ chức tuyên truyền về PCCC cho người dân, ban quản trị, ban quản lý các tòa nhà…

29-co-so-3-1718347452.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra phòng cháy chữa cháy (Ảnh: Lao động)

Cùng với đó, các đơn vị tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các tòa nhà; bố trí người thường trực 24/24h để kịp thời xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra; vận động người dân, hỗ trợ các nguồn kinh phí mua sắm các phương tiện PCCC (bình chữa cháy, mặt nạ lọc độc, thang dây, phương tiện cứu người… bổ sung cho các căn hộ).

Quá trình triển khai thực hiện khắc phục, các đơn vị phải tổ chức giám sát chặt chẽ việc thi công của những đơn vị nhà thầu, không để xảy ra cháy, nổ tại công trình.