Hà Nội: Nhiều xã, phường được ghép tên sau sáp nhập để lưu giữ “yếu tố đặc thù”

Sau khi sáp nhập, nhiều xã, phường tại các quận, huyện của Hà Nội đã được đổi sang tên phường khác. Tuy nhiên, vẫn có những phường, xã được ghép tên lại với nhau do có “yếu tố đặc thù” như phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phường Phương Liên - Trung Tự…
sat-nhap-xa-phuong-1713074009.jpg
6 quận nội thành của Hà Nội có 29 phường sáp nhập thành 16 phường mới

Yếu tố đặc thù được chính quyền các quận, huyện tại Hà Nội cân nhắc khi đặt tên cho các phường, xã mới sáp nhập là truyền thống lịch sử, văn hóa… cùng với đó là quy hoạch và mạng lưới giao thông.

Tính đến ngày 10/4, 20 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã hoàn thành lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 cùng tên các xã, phường mới sau sáp nhập. Theo đó, 6 quận nội thành có 29 phường sáp nhập thành 16 phường mới. Trong số 16 phường mới này thì 14 phường mới giữ lại một trong số tên cũ và 2 phường ghép tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Phương Liên - Trung Tự.

Giải thích về việc ghép tên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, UBND quận Đống Đa cho biết, do 2 phường này có cụm di tích quốc gia đặc biệt, có yếu tố đặc thù truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng liên quan đến nhau. Hai phường này cũng là trọng điểm về an ninh, quốc phòng.

sat-nhap-xa-phuong-2-1713073866.jpg
Ghép tên phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám do có cụm di tích quốc gia đặc biệt

Tương tự với phường Phương Liên - Trung Tự được nhập từ một phần phường Trung Tự vào Phương Liên, tên phường được ghép do Phương Liên có di tích lịch sử đền Kim Liên. Còn Trung Tự vốn là làng cổ hình thành từ làng Trung Tự và một phần đất của làng Khương Thượng cổ. Bản thân phường Trung Tự cũng đã có tuổi đời 43 năm.

Quận Đống Đa ghép tên 2 phường để giữ lại yếu tố đặc thù truyền thống, thì quận Hai Bà Trưng lại bỏ tên một số phường nổi tiếng như Đống Mác, Cầu Dền, Quỳnh Lôi sau khi sáp nhập 7 phường thành 4 phường.

Ô Cầu Dền được coi là chiến lũy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nằm trên chiến tuyến phòng ngự liên hoàn ba cửa ô gồm Đống Mác - Cầu Dền - Đồng Lầm. Đống Mác là tên cửa ô xưa. Còn Quỳnh Lôi có ngôi chùa nổi tiếng cùng tên gắn với lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Tuy nhiên, trong đề án sáp nhập trình UBND TP. Hà Nội, quận Hai Bà Trưng không xếp ba phường này vào diện có yếu tố đặc thù. Cụ thể, phường Cầu Dền nhập một phần vào Thanh Nhàn thành phường Thanh Nhàn, một phần nhập vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa. Phường Quỳnh Lôi sáp nhập Bạch Mai thành phường Bạch Mai. Phường Đống Mác nhập vào Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân.

sat-nhap-xa-phuong-1-1713073809.jpg
Đền thờ Hai Bà Trưng ở phường Đồng Nhân

Quận Hai Bà Trưng cho biết, có hơn 99% cử tri được lấy ý kiến ủng hộ các tên phường mới. Ông Trần Văn Hùng - Tổ trưởng dân phố số 5, phường Đống Mác cho biết, nhiều người lúc đầu không đồng tình phương án tên phường mới Đồng Nhân. Nhưng sau khi tìm hiểu, người dân đồng thuận do "Đống Mác chỉ là tên cửa ô hay lối đi, không phải vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt như Đồng Nhân". Hơn nữa, phường này còn có đền thờ Hai Bà Trưng, là "nơi hiển linh của hai tướng bà".

Tại huyện Thạch Thất, 250 người đã ký văn bản gửi các cơ quan chức năng, kiến nghị giữ lại tên xã Chàng Sơn. Người dân bày tỏ tiếc nuối khi tên xã không còn sau khi sáp nhập với Thạch Xá thành xã Thạch Xá. Ông Nguyễn Công Sáu (72 tuổi, xã Chàng Sơn) chia sẻ, nếu không giữ được cả tên thì người dân mong tên mới có chữ chàng.

Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất cả nước. Chữ "chàng" trong tên Chàng Sơn là chỉ tên dụng cụ làm mộc. Người Chàng Sơn làm ra nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ nổi tiếng như 70 pho tượng tại chùa Tây Phương. Trong đó, 18 pho La Hán được xem là tác phẩm xuất sắc của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, tên Thạch Xá được lựa chọn dựa vào dư địa chí. Tên xã thay đổi song tên làng nghề Chàng Sơn vẫn được giữ lại nên không lo bị lãng quên.

Theo quy định, quận, huyện phải có dân số 150.000 và diện tích tối thiểu 35km2. Phường (thuộc quận) phải có diện tích từ 5,5 km2 và dân số từ 15.000 trở lên. Xã có 5.000 - 8.000 người trở lên, diện tích từ 30km2.

Theo tiêu chí về diện tích và dân số trên, Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn phải sáp nhập. Tuy nhiên, do đặc thù quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, tốc độ phát triển đô thị và trình độ phát triển kinh tế nên thành phố đề xuất phương án giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn ở 20 quận, huyện và thị xã.