Hà Nội: Quy định rõ ràng mức phạt cho hộ kinh doanh thức ăn đường phố “bẩn”

Để nâng cao hiệu quả quản lý, Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, đáng chú ý là quy định các hành vi vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng.

Mức phạt an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô

Sáng 12/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 20, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô. Nghị quyết có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2025.

Nghị quyết nêu rõ các mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, cũng như dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Mức cao nhất có thể lên đến 40 triệu đồng.

duong-pho-1733991534.jpeg
Các hành vi vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng

Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm và các vật dụng liên quan có thể bị phạt tối đa 20 triệu đồng.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như bếp ăn tập thể, căng tin, nhà hàng, quán ăn, mức phạt có thể lên đến 30 triệu đồng nếu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Các hành vi vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng. Vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thể bị phạt tới 120 triệu đồng.

Mức tiền phạt quy định tại nghị quyết này là đối với cá nhân, trừ quy định tại một số khoản là dành cho tổ chức. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức tiền phạt tổ chức gấp 2 lần so với cá nhân.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại hàng nghìn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn. Hà Nội còn triển khai mô hình thí điểm Kiểm soát an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố xung quanh các cổng trường học tại 2 phường Tràng Tiền và Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm).

Đáng chú ý, theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, tình trạng vận chuyển và buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm vẫn tiếp diễn và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sản phẩm vi phạm chủ yếu là thực phẩm chế biến sẵn như bỏng gạo, bim bim, xúc xích, cánh gà, thực phẩm đông lạnh và các nội tạng động vật như kê gà, dạ dày lợn, óc lợn, nầm lợn, mỡ bò. Các đối tượng vi phạm còn thực hiện hành vi thay đổi nhãn mác, bao bì sản phẩm hoặc gian lận khác nhằm kéo dài hạn sử dụng của hàng hóa.

Thức ăn đường phố rẻ, tiện... nhưng đầy nguy cơ

Khi ra đường, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tại các khu chợ truyền thống, cổng trường học, vỉa hè hay cổng bệnh viện… những gánh hàng rong, quán ăn vỉa hè bày bán rất loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh mì, cơm cuộn sushi, bún thịt nướng, chân gà, cánh gà… Các món ăn này thường được chế biến ngay trên xe đẩy di động hoặc đã chuẩn bị sẵn từ nhà, phục vụ cho khách mua mang đi hoặc ngồi ăn tại chỗ.

Đa số những cơ sở buôn bán này đều nhỏ lẻ, không được cấp giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Khách hàng của những quán ăn này rất đa dạng, từ người đi làm, học sinh, sinh viên đến bệnh nhân đang điều trị.

duong-pho-1-1733991534.jpg
Sự thờ ơ của người bán và chủ quan của người mua dẫn đến tình trạng ngộ độc thức ăn đường phố vẫn diễn ra

PGS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội) chia sẻ, hầu hết khách hàng của những quán vỉa hè là người vãng lai, không mua thường xuyên nên người bán thường chỉ quan tâm đến việc bán cho xong mà không chú trọng duy trì mối quan hệ lâu dài với khách.

Người mua cũng chỉ chú ý đến sự tiện lợi mà ít quan tâm đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự thờ ơ của người bán và chủ quan của người mua chính là những nguyên nhân dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra trong thời gian qua.  

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc quản lý thức ăn đường phố trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Theo ông, thức ăn đường phố là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhưng nếu không được quản lý đúng cách, nó có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm. Việc quản lý thức ăn đường phố đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của cả người kinh doanh và người tiêu dùng. Cục An toàn thực phẩm cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả quản lý, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai hệ thống báo cáo an toàn thực phẩm trực tuyến từ cấp phường/xã đến cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố, và tổng hợp tại cấp Trung ương. Hệ thống này giúp cập nhật thông tin theo thời gian thực, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc giám sát và phản ứng kịp thời với các sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm.

Cục cũng đã xây dựng Cổng thông tin An toàn thực phẩm dành cho công chúng, cung cấp thông tin về các doanh nghiệp, sản phẩm, và các cảnh báo về an toàn thực phẩm, giúp người dân dễ dàng tra cứu và lựa chọn thực phẩm an toàn.