Hà Nội quyết tâm xử lý vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy ở gần 3.000 cơ sở

Trong báo cáo kết quả về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết, dù nhiều cơ sở cam kết và lập kế hoạch khắc phục các tồn tại về phòng cháy cháy, nhưng mới chỉ có 3,4% hoàn thành đúng tiến độ.

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND liên quan đến việc xử lý các cơ sở không đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Theo báo cáo, trên địa bàn thành phố hiện có 2.996 cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC, tăng 16 cơ sở so với năm 2023. Trong đó, 2.950 cơ sở đã lập kế hoạch và phương án thực hiện (đạt 98,46%).

phong-chay-chua-chay-1729754581.jpg
Sau 2 năm triển khai, mới chỉ có 102/2.996 cơ sở hoàn thành khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy (Ảnh: Phạm Đông/Lao động)

UBND cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch và phương án khắc phục cho 2.950 cơ sở (đạt 98,46%), 753 cơ sở đã khảo sát và lập dự toán kinh phí khắc phục (đạt 25,1%), 174 cơ sở hoàn thiện hồ sơ thiết kế (đạt 5,80%) và 112 cơ sở đã triển khai thi công (đạt 3,73%). Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, mới chỉ có 102/2.996 cơ sở (3,4%) hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC. Mục tiêu đề ra cho năm nay, hoàn thành ít nhất 70% (khoảng 2.097 cơ sở), nhưng hiện mới chỉ đạt 4,8%.

Nội dung báo cáo nêu rõ, khả năng lớn năm nay, 100% đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao. Đáng chú ý, đến nay vẫn có quận, huyện chưa khắc phục được cơ sở nào, như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức...

Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, dẫn đến tình trạng báo cáo chậm và số liệu không chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng đánh giá chung. Điều này khiến báo cáo của thành phố bị sai lệch và số liệu giữa các kỳ báo cáo không thống nhất. Đáng chú ý, 100% sở ngành chưa báo cáo kết quả về các cơ sở vi phạm PCCC cho Công an thành phố.

Về cấp quận, huyện, UBND quận Cầu Giấy, huyện Thạch Thất, Sóc Sơn cùng Công an quận Cầu Giấy và Thanh Trì cũng báo cáo chậm. Một số quận, huyện như Ba Vì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Mê Linh, Quốc Oai, Sóc Sơn, Tây Hồ, Thanh Oai và Thanh Trì còn thống kê số liệu không chính xác và không đầy đủ về các cơ sở vi phạm PCCC.

Ngoài ra, vẫn có tình trạng lãnh đạo và cán bộ phụ trách việc tham mưu, tổng hợp, theo dõi thực hiện Nghị quyết 05 ở một số đơn vị chưa nghiên cứu kỹ, dẫn đến việc không nắm vững nội dung của nghị quyết và kế hoạch của thành phố.

phong-chay-chua-chay-1-1729754584.jpg
Lực lượng chức năng treo biển cảnh báo tại một chung cư mini không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (Ảnh: Khắc Hiếu/Thanh Niên)

UBND TP. Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do số lượng cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05 rất lớn (2.996 cơ sở), trong đó các chung cư và nhà tập thể cũ chiếm hơn 60% (1.799 cơ sở). Hơn nữa, 2.528 cơ sở thuộc diện điều chỉnh sử dụng ngân sách Nhà nước, chiếm 84,3% tổng số cơ sở.

Theo UBND TP. Hà Nội, phần lớn các cơ sở này vẫn chưa chủ động lập khái toán kinh phí để báo cáo cho các cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách thực hiện khắc phục các tồn tại về PCCC, đảm bảo theo quy định ngân sách hiện hành.

Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các nội dung tuyên truyền sẽ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguy cơ và nguyên nhân có thể dẫn đến cháy nổ, đồng thời hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng thoát hiểm và xử lý tình huống khi xảy ra cháy nổ, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở cũng như cộng đồng dân cư.

UBND thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và đánh giá tiến độ khắc phục các tồn tại của từng cơ sở, từ đó hướng dẫn khắc phục ngay những vấn đề còn hạn chế.

Đối với các cơ sở đã cam kết nhưng chưa thực hiện đúng, UBND thành phố yêu cầu phải làm việc lại để cam kết và hoàn thành khắc phục ngay. Các quận, huyện, thị xã cần quyết liệt hơn trong việc triển khai thực hiện, với mục tiêu đạt 70% khắc phục vào năm 2024 và hoàn tất việc khắc phục đối với 100% cơ sở vào năm 2025.

Đặc biệt, UBND thành phố sẽ chỉ đạo khắc phục ngay các vấn đề về an toàn phòng cháy chữa cháy tại trụ sở HĐND và UBND, những cơ sở đã hoạt động trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy có hiệu lực, với yêu cầu hoàn thành trong năm 2024.