Hà Nội: Rà soát, sẵn sàng sơ tán dân do lũ sông Tích, sông Bùi lên trở lại

Mưa lớn và lũ trên sông Tích, sông Bùi có khả năng dâng trở lại trong đêm. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Hà Nội đã tiến hành rà soát, sẵn sàng kế hoạch sơ tán người dân nếu lũ lên.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo không khí lạnh từ phía Bắc sẽ ảnh hưởng đến Hà Nội vào đêm nay và sáng sớm 22/9, làm thời tiết chuyển mát với nhiệt độ thấp nhất dao động từ 22 - 24°C.

Do tác động của dải hội tụ nhiệt đới cùng không khí lạnh, trong 2 ngày 22 - 23/9, Hà Nội dự kiến sẽ có mưa vừa đến rất to, kèm theo dông. Lượng mưa dự kiến dao động từ 60 - 120mm, có nơi cao hơn.

lu-len-1726912236.jpg
Những ngày qua, đê tả sông Bùi luôn bị đe dọa khi mực nước vượt mức báo động 3

Trong khi đó, mực nước trên sông Tích và sông Bùi vẫn trên mức báo động cấp 3 và rút rất chậm. Tại Trạm thủy văn Yên Duyệt (sông Bùi, huyện Chương Mỹ) lúc 1h sáng 21/9, mực nước đo được là 7,27m, cao hơn 27cm so với báo động cấp 3. Tại Trạm thủy văn Vĩnh Phúc (sông Tích, huyện Quốc Oai), mực nước đo được là 8,3m, cao hơn 30cm so với báo động cấp 3. Mực nước các sông dự kiến tiếp tục giảm chậm, nhưng có khả năng dâng trở lại sau đêm nay (21/9).

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ phục hồi sản xuất do thiên tai và sự cố vừa qua. Đồng thời, cần theo dõi sát sao dự báo thời tiết, thông tin đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động ứng phó.

Các địa phương phải triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động di dời, sơ tán người dân khi cần thiết. Lực lượng xung kích sẵn sàng kiểm soát giao thông, đảm bảo an toàn tại các khu vực ngập lụt, nước chảy xiết và nguy cơ sạt lở. Đồng thời, cần vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, đê điều và công trình xung yếu.

lu-len-1-1726912270.jpg
Nhiều xã ven sông Tích, sông Bùi chịu cảnh ngập nửa tháng nay

Thực tế ghi nhận, do nước sông Tích và sông Bùi vẫn duy trì quanh ngưỡng báo động cấp ba, nhiều xã tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, và Ứng Hòa vẫn đang ngập từ 0,6m - 1m.

Hai tuần sau khi siêu bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc, con đường chính dẫn vào xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) qua các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ vẫn chìm trong nước. Người dân phải sử dụng thuyền cá nhân hoặc xuồng do chính quyền bố trí để di chuyển.

Anh Nguyễn Văn Tiến cùng vợ và hai con đã phải sơ tán đến nhà người thân ở xã bên cạnh hơn 10 ngày qua. Mỗi ngày, anh hai lần quay về ngôi nhà ngập sâu gần 2m của mình để kiểm tra. Anh Tiến cho biết, có hôm anh đi được bằng xuồng của xã, có hôm phải tự chèo thuyền vào nhà. Rác và bùn đất từ ngoài đồng tràn vào rất nhiều, nên cứ thấy chỗ nào nước rút bớt là anh phải dọn dẹp ngay. Bởi khi bùn khô lại, việc dọn dẹp sẽ vất vả hơn rất nhiều.

Trẻ mầm non trong vùng lũ được nghỉ học, học sinh cấp 1 đến cấp 3 chuyển sang học online hoặc đến học trực tiếp tại các điểm trường không bị ngập. Điện đã bị cắt để đảm bảo an toàn, khiến những hộ dân bị ngập sâu phải sơ tán, trong khi những người ở trên các tầng cao phải trông chờ vào sự cứu trợ từ bên ngoài.

UBND huyện Chương Mỹ cho biết, toàn huyện hiện vẫn còn 58 thôn bị ngập với gần 5.100 hộ dân, khoảng 23.000 người bị ảnh hưởng, tập trung tại các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tốt Động, Văn Võ, và thị trấn Xuân Mai. Đến nay, huyện đã sơ tán gần 2.100 hộ với gần 8.800 người đến nơi an toàn và hiện vẫn duy trì 5 điểm sơ tán tập trung tại xã Nam Phương Tiến.

Làm tường chắn ngăn ngập nước trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Do ảnh hưởng của mưa lũ sau cơn bão số 3, từ sáng ngày 10/9, nước dâng cao tại khu vực hạ lưu đã gây ngập đoạn Km 191+400 của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Thời điểm ngập cao nhất, mực nước tại vị trí sâu nhất đạt 0,8m, trong khi vị trí thấp nhất là khoảng 0,15m.

Ông Phạm Văn Loan - Đội trưởng Đội Duy tu bảo trì cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, đến chiều tối ngày 19/9, nước ngập tại đoạn Km 191+400 đã rút hoàn toàn. Ngay sau khi nước rút, đội ngũ đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra kết cấu mặt đường. Kết quả khảo sát cho thấy, mặt đường chỉ xuất hiện một vài ổ gà nhỏ. Đơn vị vận hành đã nhanh chóng khắc phục triệt để các vị trí này, đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

Theo ông Loan, để ngăn chặn tình trạng ngập tương tự trong tương lai khi có mưa bão, một hệ thống bờ chắn nước cao 0,85m, dài khoảng 400m đã được xây dựng tại vị trí ngập vừa qua. Tường chắn được lắp ráp bằng các khối bê tông ghép nối với nhau. Đồng thời, hệ thống chặn nước từ bên ngoài vào cao tốc, bao gồm vải bạt và bao cát, cũng đã được thiết lập. Với sự hỗ trợ từ hệ thống trạm bơm khu vực, nguy cơ ngập lụt trên tuyến cao tốc sẽ được kiểm soát hiệu quả.