Hà Nội: Sân sinh hoạt chung bị lấn chiếm, trẻ nhỏ mỏi mắt tìm chỗ chơi

Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em trong các đô thị, khu tập thể diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là trong bối cảnh không gian chung bị chiếm dụng bởi hàng quán. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hệ lụy trẻ thường xuyên tràn xuống lòng đường, vỉa hè để đá bóng, đi xe đạp, chơi cầu lông… gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Sân sinh hoạt chung bị chiếm dụng…

Lấn chiếm sân chơi để buôn bán, kinh doanh hàng ăn… là hình ảnh có thể dễ dàng bắt gặp tại các sân chơi công cộng ở khu tập thể cũ của Hà Nội. Việc này khiến trẻ em không còn chỗ vui chơi, bị đẩy ra khỏi chính khu vực dành riêng cho trẻ.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng hơn 1.000 khu tập thể cũ, tương ứng với đó là số sân chơi công cộng dành cho các hộ gia đình. Như tại sân chơi của khu tập thể B1 Trần Huy Liệu (Ba Đình), khoảng 17 giờ, nhiều học sinh đứng chờ bố mẹ đón nhưng chỉ dám ngồi 1 chỗ bởi sân chơi chung này đã bị các hàng quán bày bàn ghế cho khách ngồi ăn uống.

san-choi-1-1724042695.jpg
Trẻ em không còn sân chơi vì bị chiếm dụng làm nơi trông xe, bán hàng... (Ảnh: Dương Dũng/Công Lý)

Đám trẻ không dám chạy nhảy, nô đùa vì sợ va vào đồ đạc và người lớn đang ngồi nhậu. Khi được hỏi sao vào sân chơi, một em nhỏ cho biết, trước đây khi chờ bố mẹ các em có vào chơi nhưng vướng chỗ người ta buôn bán nên bị đuổi đi. Các em cũng sợ chơi gần nhỡ làm làm hỏng đồ đạc của người bán hàng thì sẽ phải đền. Do đó, các em đứng gọn một chỗ cho tới khi bố mẹ tới đón về.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Duyên - sinh sống tại khu vực phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) chia sẻ, nhà bà có nhiều cháu nhỏ. Bà cũng muốn đưa các cháu xuống sân trong mấy khu tập thể ở đây mà tìm chỗ chơi khó khăn quá. Khu vực để các thiết bị vui chơi đều bị chiếm dụng. Nhìn không gian lộn xộn đó, các cháu cũng không muốn chơi nữa.

Sân sinh hoạt chung của khu tập thể Thành Công (Ba Đình) cũng rơi vào tình trạng bị lấn chiếm. Một người dân sinh sống tại khu tập thể này cho biết, sân chơi nằm cạnh chợ cóc nên buổi sáng và chiều tối vô cùng tấp nập, hàng hóa bày bán la liệt, quán ăn chiếm ngự từng góc sân.

Bà bảo, đây đã không còn là không gian cho các cháu nhỏ từ lâu rồi. Trẻ em có nhu cầu vui chơi rất cao và khu vui chơi sẽ giúp các cháu vận động, phát triển thể lực. Nhưng giờ sân chơi không có là một thiệt thòi rất lớn với các cháu.

san-choi-1724042695.jpg
Sân chơi biến thành chỗ gửi xe (Ảnh: Dương Dũng/Công Lý)

Ngoài bị chiếm dụng thành nơi bàn hàng, sân sinh hoạt chung của khu tập thể Thành Công còn là bãi trông giữ xe ngày đêm. Những hàng xe máy san sát nối đuôi nhau bịt kín lối đi vào các trang thiết bị tập thể dục ngoài trời.

Một người dân khác sinh sống tại khu tập thể cho biết, bãi xe đã có từ rất lâu, người ta còn lập cả chòi ở góc sân để trông xe với mức phí từ 200.000 - 300.000 đồng/ tháng tùy thuộc vào từng loại xe. Ông nói thêm, những nhà cao tầng quanh đây, gia đình nào cũng phải 2 - 3 cái xe, dắt từ đây lên tầng 4 - 5 rất phức tạp. Ai cũng muốn sân rộng để cho các cháu chơi, nhưng cũng cần chỗ gửi xe gần thì biết làm thế nào.

Trước tình trạng này, ngày 5/8, Ban chỉ đạo 197 phường Thành Công đã ra quân xử lý việc lấn chiếm sân chơi nhà E2 - E7, A4 - A5 tại khu tập thể Thành Công. Lực lượng chức năng đã tháo dỡ mái che, ô dù... và vận động các hộ kinh doanh thu dọn bàn ghế, biển bảng lấn chiếm sân chơi tập thể. Lực lượng chức năng cũng kiên quyết lập biên bản, xử lý nghiêm các trường hợp tái vi phạm nhiều lần.

Ông Nguyễn Lê Quốc Toản - Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết, trên địa bàn phường có gần 80 chung cư cũ. Từ lâu, tình trạng lấn chiếm các sân chơi tập thể đã diễn ra. Với các sân chơi có nhiều vi phạm, phường đã ban hành kế hoạch cụ thể, phân công lực lượng xử lý, duy trì chốt trực chống tái lấn chiếm.

san-choi-3-1724042696.jpg
Sân sinh hoạt chung bị lấn chiếm để bán hàng (Ảnh: VOV giao thông)

…Trẻ phải xuống lòng đường chơi

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chơi là nhu cầu đầu tiên, thiết yếu nhất trong những năm đầu đời của trẻ nhỏ. Ngoài chơi trong nhà, trẻ em còn cần những không gian ngoài trời để hít thở không khí trong lành, tăng cường vận động cũng như tăng khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh.

Với mật độ dân cư đông, các công trình xây dựng mỗi ngày một nhiều, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Những năm qua, các chuyên gia, thậm chí chính người dân cũng liên tục lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em trong các đô thị.

Tình trạng này diễn ra phổ biến khiến người già mất chỗ tập thể dục, trẻ em không còn chỗ chơi. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hệ lụy trẻ thường xuyên tràn xuống lòng đường, vỉa hè để đá bóng, đi xe đạp, chơi cầu lông… gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Một vấn đề khác, nhiều sân chơi đang hoạt động cũng không được duy tu bảo trì thường xuyên, dẫn đến xuống cấp. Hầu hết trang thiết bị tại các sân chơi thì nghèo nàn, lạc hậu, cũ kỹ hay hỏng hóc, khiến trẻ em không có hứng thú sử dụng. Thậm chí, những thiết bị cũ không được kiểm tra tính an toàn còn tiềm ẩn gây nguy hiểm cho trẻ.

Do đó, để có không gian cho trẻ em vui chơi, các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm tình trạng biến không gian chung thành riêng, trả lại sân chơi và môi trường sống lành mạnh, sạch đẹp cho cho người dân, đặc biệt là trẻ em.