Hà Nội: Sức khỏe, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng lớn khi lũ hơn 20 ngày chưa rút

Hàng chục ngày bị cô lập bởi lũ lụt, cuộc sống của người dân xã Nam Phương Tiến (Chương Dương, Hà Nội) hoàn toàn bị đảo lộn. Không chỉ thế, nhiều người còn bị ảnh hưởng tới sức khỏe khi nước lũ bẩn gây nổi mẩn, ngứa ngáy…

Những ngày đầu tháng 9, nước sông Bùi dâng cao, tràn qua đê nhấn chìm nhà cửa, tài sản của hàng nghìn hộ dân thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đến nay, trong khi nhiều người dân ở Hà Nội đã quay lại với cuộc sống bình thường sau cơn bão số 3, thì nhiều hộ dân tại vùng "rốn lũ" Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn phải chờ đợi nước rút. Nhiều gia đình phải di tản, mỗi người ở nhờ một nơi.

Ghi nhận vào ngày 1/10, mực nước vẫn ngập hơn 1 mét tại thôn Hạnh Bồ (xã Nam Phương Tiến), gây khó khăn cho việc di chuyển đến các khu trang trại. Để hạn chế tối đa thiệt hại, các khu trang trại đã đưa vật nuôi đến nơi tránh trú an toàn.\

ngap-lu-1-1727870813.jpg
Đến ngày 1/10, nhiều thôn tại xã Nam Phương Tiến vẫn ngập sâu (Ảnh: Nguyễn Hà Nam/Dân trí)

Thôn Nhân Lý là một trong 4 thôn bị ngập nặng nhất. Tại xóm Đồng Rạch, khoảng 20 hộ dân phải đi ở nhờ nhà người quen hoặc các địa điểm do chính quyền sắp xếp. Mỗi gia đình chỉ có 1 thành viên ở lại để trông coi nhà cửa. Thời điểm lũ lên cao, mực nước ngập sâu 2 - 3 mét, hiện tại vẫn còn ngập từ 1 - 1,3 mét. Phương tiện di chuyển duy nhất trong xóm là thuyền nhôm và thuyền thúng.

Bà Nguyễn Thị Đính (70 tuổi, thôn Nhân Lý) chia sẻ, ngay sau khi bão Yagi đổ bộ, nước lũ dâng lên rất nhanh, chỉ trong vài giờ đã ngập sâu vào sân nhà, nhấn chìm các gian nhà ngang, chỉ còn lại phần mái. Từ ngày 9/9, bà cùng chồng phải di dời khẩn cấp theo yêu cầu của chính quyền. Hiện tại, bà vẫn đang "ăn nhờ ở đậu", được họ hàng và các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Dù nước đã rút bớt, nhưng sân nhà bà vẫn ngập tới ngang hông. Bà phải dùng thuyền để di chuyển tới vị trí nước rút gần hết để dọn dẹp. Chiếc thuyền này, bà Đính đã phải mua với giá 1,6 triệu đồng.

ngap-lu-2-1727870813.jpg
Bà Đính phải bơi thuyền vào nhà (Ảnh: Nguyễn Hà Nam/Dân trí)

Chị Thảo (thôn Nhân Lý) cho biết, nhà bị ngập trong nước nên gia đình phải chuyển qua nhà bà ngoại cách 2km để tá túc. Tình trạng ngập úng này khiến các con chị bị ốm. Nhà đông người, ở trên diện tích hẹp nên sinh hoạt vô cùng khó khăn, nước nôi bẩn thỉu nên ngứa ngáy hết cả người. Chị Thảo bảo, chỉ mong nước lũ rút nhanh để ổn định lại cuộc sống, chứ như thế này mọi thứ đảo lộn hết, vất vả lắm.

Tại thôn Nam Hài, một gia đình không may có người thân qua đời. Để đưa tang, gia đình phải huy động nhiều thuyền và cano, cùng với một chiếc máy cày được chế thành ca nô cứu hộ để tiễn đưa người quá cố.

Anh Nguyễn Văn Quân (thôn Hạnh Bồ) cho biết, gia đình anh và em trai suốt gần một tháng qua phải sống nhờ nhà bố đẻ cách nhà gần 1km, vì nước ngập sâu gần tới tầng 2. Dù nước đã rút, gia đình anh vẫn chưa có nước sạch để sử dụng và ngôi nhà vẫn trong tình trạng cô lập.

ngap-lu-3-1727870995.jpg
Thời điểm đỉnh lũ, thôn Lý Nhân ngập sâu tới 2 - 3 mét

Bà Đinh Thị Thịnh sống gần đường liên xã, tranh thủ khi nước vừa rút, đã dọn bùn trong sân và vớt rác thải. Bà cho biết, chỉ trong vòng 1,5 tháng, khu vực này đã phải hứng chịu hai trận lũ. Chồng và con bà đã phải sơ tán, còn bà thì ở lại tầng 2 để trông coi đồ đạc. Khi nước rút, ngôi nhà của bà tan hoang, như vừa được kéo lên từ dưới bùn.

Trước nhà ông Nguyễn Văn Quang có một chiếc thuyền tự chế vẫn còn để sẵn. Ông Quang cho biết, thuyền này được dùng để vận chuyển gia súc, gia cầm và các đồ điện tử. Đa số các hộ dân chỉ có thuyền nhỏ nên thuyền tự chế này rất hữu ích trong việc di chuyển đồ đạc khi nhà vẫn còn bị ngập.

Do ảnh hưởng của lũ, nhiều tuần qua, Trường tiểu học Nam Phương Tiến A không thể đón học sinh. Sau lễ khai giảng được vài ngày, học sinh phải nghỉ học và tạm chuyển sang học tại các trường khác trong khu vực. Cô giáo Cao Thị Xuân Hồng cho hay, khi nước lũ dâng cao, cô và đồng nghiệp đã kịp thời di chuyển bàn ghế và đồ dùng học tập lên tầng 2. Ngày 1/10, các cô tranh thủ dọn dẹp để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường vào thứ năm tới đây.

(Tổng hợp)