Kế hoạch triển khai thí điểm này nhằm quản lý dữ liệu về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ tại Hà Nội, từ địa bàn quận, huyện, thị xã tới xã, phường, thị trấn, cùng với đó là từng lĩnh vực, loại hình cơ sở. Đồng thời, quản lý dữ liệu về điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với từng cơ sở.
Song song, xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn cho từng nhà dân, cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; theo dõi giao thông, nguồn nước, trụ nước chữa cháy, phương tiện cần huy động, điểm chữa cháy công cộng, tổ liên gia an toàn PCCC.
Các thông tin và dữ liệu trong ứng dụng sẽ được cập nhật thường xuyên, đầy đủ chính xác như: Thông tin cấp phép xây dựng, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, các điều kiện an toàn về PCCC, hồ sơ quản lý theo dõi hoạt động PCCC, tình hình cháy, nổ, xử lý vi phạm về PCCC nhằm đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của các cấp chính quyền thành phố.
Ứng dụng sẽ đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả và an ninh thông tin theo quy định, đồng thời lấy trải nghiệm của người dùng làm thước đo để tiếp tục cải thiện, nâng cấp và tối ưu hóa ứng dụng.
Thành phố Hà Nội phấn đấu 100% công chức, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ sử dụng thành thạo ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư.
Tối thiểu 70% dân số trên địa bàn được lựa chọn thí điểm biết ứng dụng quản lý, theo dõi hoạt động PCCC thành phố và tối thiểu 80% thông báo sự cố về PCCC và cứu nạn, cứu hộ của người dân, doanh nghiệp được gửi, tiếp nhận, xử lý theo quy trình trên ứng dụng này.
Thí điểm ứng dụng này sẽ thực hiện tại 30 quận, huyện, thị xã và được chia làm 2 giai đoạn. Gia đoạn 1 diễn ra từ 25/4 - 30/6. Thí điểm ứng dụng sẽ thực hiện với chung cư mini (nhà ở nhiều căn hộ), nhà trọ; nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Giai đoạn 2 diễn ra từ ngày 1/7 - 30/9, được thực hiện với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện thí điểm, kế hoạch yêu cầu hoàn thành tập huấn cho Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TP. Hà Nội) và lực lượng công an của 30 UBND quận, huyện, thị xã trước ngày 7/5. UBND cấp huyện tổ chức tập huấn cho UBND cấp xã hoàn thành trước ngày 10/5.
Dự kiến trong tháng 12 năm nay, Hà Nội sẽ chính thức đưa vào thực hiện với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và ứng dụng quản lý, theo dõi hoạt động PCCC.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ. Thời gian qua, nhiều vụ cháy chung cư mini, nhà trọ gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn thành phố. Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư được đưa vào thực tế kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế được tình trạng này.