“Mở hàng” là phiên đấu giá 57 thửa đất tại xã Cao Dương, huyện Thanh Oai sẽ được tổ chức vào ngày 8/9. Hiện, huyện đang mở bán hồ sơ đấu giá.
Hàng trăm lô đất chuẩn bị “lên sàn”
Sau huyện Thanh Oai, ngày 10/9, huyện Phúc Thọ cũng có kế hoạch đấu giá quyền sử dụng 50 thửa đất. Trong đó, 30 thửa thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc với diện tích từ hơn 85-162m2, giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2; 9 thửa đất thuộc khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc có diện tích từ 134-185m2 với giá khởi điểm 19,8 triệu đồng/m2; 11 thửa tại khu Hương Nam, xã Xuân Đình có diện tích từ hơn 99-196m2 với giá khởi điểm 25 triệu đồng/m2.
Tương tự, ngày 12/9, huyện Mê Linh cũng sẽ tổ chức đấu đợt 6 với 32 thửa đất ở tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa. Các thửa đất có diện tích 73,5-187,5 m2/thửa, giá khởi điểm từ 21,7 triệu đến 32,8 triệu đồng/m2.
Mới đây, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất ở đối với 43 thửa đất tại thôn Thượng Tiết, xã Đại Hưng.
Các thửa đất này có diện tích 92-183 m2/thửa, giá khởi điểm chỉ hơn 4,2 triệu đồng/m2. Tương ứng tiền đặt cọc sẽ dao động từ hơn 80-150 triệu đồng/thửa. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 13/9.
Ngày 14/9, tại huyện Ba Vì, sẽ diễn ra phiên đấu giá19 thửa đất của khu đất thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá tại khu Châu Hùm, thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái. Các thửa đất được đấu giá có diện tích 116-349 m2/thửa với giá khởi điểm 22,3-46 triệu đồng/m2.
Chưa có nhà đầu tư nào nộp tiền đấu giá đất
Những phiên đấu giá này diễn ra trong bối cảnh, các phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức diễn ra hồi đầu tháng 8 đang rơi vào “tầm ngắm” kiểm tra của các cơ quan chức năng khi có mức giá cao nhất lần lượt là 133,3 triệu đồng/m2 và 100,5 triệu đồng/m2, gấp hàng chục lần giá khởi điểm và gần gấp đôi giá thị trường.
Mới đây, huyện Hoài Đức đã phải dừng đấu giá 52 lô vào đầu tháng 9 để chờ đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT. Tương tự, quận Hà Đông cũng tạm hoãn và chưa xác định ngày mở lại phiên đấu giá 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại khu đất đấu giá vừa “làm mưa, làm gió” trên thị trường tại thôn Thanh Thần (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) và thôn Lòng Khúc (xã Tiền Yên, huyện Hoài Ðức) đã không còn bóng dáng của môi giới đặt bàn tư vấn mua bán đất đấu giá. Không ít môi giới đã xác nhận, nhiều chủ đất đã thông báo dừng bán, nhưng nhiều lô đất đã được sang tay nhiều lần với giá chênh vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào trúng giá đất nộp tiền. Theo cơ chế thì người trúng đấu giá phải nộp hết tiền trong 30 ngày kể từ khi có thông báo thuế. Do vậy, vẫn cần phải đợi hết 30 ngày mới xác định được đúng tình hình.
Vị này cũng cho rằng, để ngăn chặn trường hợp lợi dụng đấu giá đất để trục lợi cần có biện pháp tăng tiền cọc hoặc cấm giao dịch trong thời gian 1-2 năm. Hoặc có thể sử dụng đến biện pháp áp thuế những mảnh đất không được đưa vào sử dụng.
Trước đó, giới chuyên gia nhận định, việc giá đất tại các huyện vùng ven, vị trí có cơ sở hạ tầng, tiện ích không nổi bật, sở hữu tiềm năng tăng giá ở mức bình thường lại có mức giá trúng lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, ngang bằng với giá đất nền tại các khu đô thị, khu vực đông dân cư là bất bình thường, vượt xa giá trị thực tế. Đây chính là kết quả của các mục đích không lành mạnh.