Hà Nội: Tuyên truyền nâng cao ý thức người đi bộ qua đường

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ qua đường đã được lắp đặt từ lâu nhưng ít được dùng, do đó cần tuyên truyền để người dân nắm rõ và tạo thói quen sử dụng.

Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cho người đi bộ qua đường ở các điểm ngã tư đông người, các điểm đã bố trí cầu vượt, đèn tín hiệu dành cho khách bộ hành…

Điểm sang đường trước Bưu điện thành phố trên phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) có lắp đặt sẵn đèn tín hiệu dành cho người đi bộ qua đường trên cột đèn giao thông. Tuy nhiên, nhiều người khi đi qua đường vẫn chưa có thói quen sử dụng. Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) đã tổ chức hướng dẫn cho người dân và du khách nước ngoài về cách sử dụng đèn tín hiệu này.

nguoi-di-bo-1-1715732320.jpeg
Lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn sử dụng đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ qua đường (Ảnh: Chu Dũng)

Thiếu tá Đào Xuân Dũng - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết, hiện tại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang triển khai 2 vị trí lắp đặt tín hiệu đèn cảnh báo cho người đi bộ tại ngã ba Lò Sũ - Trần Quang Khải và Bưu điện thành phố. Đèn tín hiệu đã được lắp đặt từ lâu nhưng ít người qua đường dùng, do đó cần tuyên truyền để người dân nắm rõ và tạo thói quen sử dụng.

Năm 2017, hệ thống đèn tín hiệu tự bấm dành riêng cho người đi bộ được thí điểm lắp đặt tại một số tuyến đường tại Hà Nội nhằm giúp người dân chủ động và an toàn hơn khi qua đường. Sau 7 năm triển khai, hệ thống đèn tín hiệu này không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Tại những khu vực nút giao thông chưa lắp đặt thiết bị dành riêng cho người đi bộ này, Phòng Cảnh sát giao thông khuyến cáo khi qua đường, người dân đi đúng vạch kẻ, phải quan sát để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân diễn ra do tình trạng đi bộ tùy tiện qua đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông. Như khoảng 20h ngày 12/5, một phụ nữ trèo qua lan can dải phân cách để sang đường trên phố Minh Khai đã xảy ra va chạm với một xe khách.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị đang quản lý 75 cầu đường bộ và 39 hầm đi bộ. Đây là những lối đi an toàn dành cho người đi bộ sang đường, tách biệt khỏi dòng phương tiện tham gia giao thông trên phố, nhất là tại những khu vực có mật độ giao thông lớn.

Tuy nhiên, nhiều người đi bộ không chọn lối đi này mà tùy tiện sang đường ở bất cứ vị trí nào gần nhất. Vi phạm này diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, không phân biệt độ tuổi người đi bộ. Dù vậy, phổ biến nhất vẫn là người trẻ tuổi bởi họ tự tin về khả năng quan sát và di chuyển nhanh của mình.

nguoi-di-bo-1715732320.jpg
Người đi bộ sang đường không đúng quy định (Ảnh: Ngân Thùy)

Ví dụ, tại khu vực Ngã Tư Sở, nơi đây đã có hệ thống hầm đường bộ từ hơn chục năm nay, nhưng chỉ thấy người lớn tuổi và trẻ em đi xuống hầm, còn người trẻ tuổi vẫn vô tư băng qua đường tại bất cứ vị trí nào muốn đến.

Hay trước cổng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mặc dù cầu vượt đặt ở vị trí trước cổng để phục vụ việc đi lại của đông đảo sinh viên cũng như người dân lân cận, nhưng chỉ cần cách đó 200m - 300m là người dân đã ngại đi lên cầu mà sẵn sàng băng qua đường.

Anh Nguyễn Trường Sơn (ngõ 328 Nguyễn Trãi) chia sẻ, vòng lên, vòng xuống 2 bên đầu cầu cũng mất thời gian đáng kể, nên anh quan sát lúc nào đường vắng thì băng sang đường cho nhanh.

Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý. Bên cạnh việc xử phạt nghiêm, cảnh sát giao thông đã kiến nghị tại một số điểm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy… gần các trường đại học, cao đẳng và khu thương mại, chính quyền địa phương tiến hành lắp đặt hàng rào mềm cảnh báo trên vỉa hè.

Thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông.