Hà Nội: Tuyệt đối không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm thương mại trong khu công nghiệp

Theo Sở Công thương Hà Nội, các cụm công nghiệp thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm thương mại trong phạm vị này.

Trong thời gian qua, báo  chí có phản ánh về việc, tại dự án Cụm công nghiệp Kim Bài (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội) do Công ty CP Tập đoàn Telin làm chủ đầu tư, có nhiều thông tin rao bán đất phân lô và shophouse với giá từ 16-25 triệu đồng/m2.

Không có khái niệm shophouse trong cụm công nghiệp

Theo môi giới, cụm công nghiệp (CCN) này có 4 khu đất phân lô với diện tích từ 126-250m2, mỗi lô được xây dựng 3 tầng. Khách có nhu cầu mua sẽ ký “hợp đồng vay tài sản” và “phiếu đăng ký” với chủ đầu tư và nộp tiền theo tiến độ, lượt đầu là 40%.

Cũng trên địa bàn huyện Thanh Oai, dự án CCN Phương Trung (xã Phương Trung) do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Liên Việt làm chủ đầu tư, các môi giới cũng đang rao bán shophouse diện tích từ 120-180m2 với giá từ 25 triệu đồng/m2.

Ngay sau khi những thông tin này được lan truyền, Sở Công thương đã phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức làm việc tại 2 CCN nói trên để làm rõ. Theo đó, về tiến độ triển khai đầu tư xây dựng CCN Kim Bài hiện nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đã hoàn thiện và nộp hồ sơ đề nghị giao đất.

cum-cong-nghiep-kim-bai-1720695336.jpg
Có nhiều thông tin rao bán đất phân lô và shophouse với giá từ 16-25 triệu đồng/m2 tại Cụm công nghiệp Kim Bài

Tập đoàn Telin cũng khẳng định chưa tiến hành xây dựng trên diện tích thực hiện dự án, chưa kêu gọi đầu tư, chưa ký hợp đồng thuê đất với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, mới chỉ thực hiện san gạt, làm nền một phần diện tích để chuẩn bị cho lễ khởi công sau khi nhận được giao đất và cấp phép xây dựng.

Tại CCN Phương Trung cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, được UBND TP Hà Nội giao đất thực hiện dự án. Chủ đầu tư đã khởi công xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Chủ đầu tư không kêu gọi đầu tư qua bất kỳ đơn vị môi giới nào và có bộ phận bán hàng riêng.

Đến nay, Công ty Liên Việt đã ký 14 hợp đồng thuê đất trên phần diện tích đất xây dựng nhà xưởng với chủ đầu tư thứ phát. Trên phần diện tích đất dịch vụ hỗ trợ CCN thì chưa ký bất kỳ hợp đồng với tổ chức cá nhân nào.

Theo đó, Sở Công thương đề nghị các cơ quan liên quan cùng chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát, quản lý việc xây dựng theo đúng quy hoạch, không để xảy ra trường hợp sử dụng đất sai mục đích trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp.

Sở Công thương khẳng định, các dịch vụ hỗ trợ chỉ đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động trong CCN. Tuyệt đối không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm thương mại trong phạm vi CCN.

“Không có khái niệm shophouse trong quy hoạch CCN. Đất công trình công cộng phục vụ chung không được phép chia nhỏ các lô đất dưới dạng nhà ở riêng lẻ, biệt thự, nhà ở, nhà thương mại liên kế”, ông Ngô Quốc Ca – Trưởng phòng quản lý công nghiệp, Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh.

cum-cong-nghiep-phuong-trung-1720695445.jpg
Tình trạng rao bán đất trong cụm công nghiệp liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây

Cẩn trọng với những tin tức không chính thống

Theo đại diện một CCN trên địa bàn huyện Thanh Oai, nhà đầu tư cần thận trọng với những tin rao bán không chính thức, qua lời môi giới, bởi không có loại hình shophouse, đất nền bên trong CCN mà chỉ có đất dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Loại đất này chỉ được phép kinh doanh các dịch vụ phục vụ cho CCN như cà phê, hàng ăn…

Trong thời gian qua, thị trường đất nền, nhà thấp tầng tại một số khu vực huyện ngoại thành Hà Nội đang có dấu hiệu sôi động với nhu cầu tìm mua, giá và các giao dịch cũng tăng. Giới chuyên gia cũng nhận định, do quỹ đất tại các quận nội đô ngày càng cạn kiệt, thị trường nhà thấp tầng, liền kề, nhà riêng lẻ, đất nền khu vực vùng ven trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, phân khúc đất nền đã có sổ hoặc thuộc các dự án có pháp lý hoàn thiện, hạ tầng giao thông đồng bộ, vị trí gần các khu dân cư, khu công nghiệp…được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.

Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc khu vực miền Nam batdongsan.com.vn cho rằng, về dài hạn, giá đất vùng ven Hà Nội có thể tăng trưởng, giao dịch sẽ sôi động trở lại, nhất là với các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh.

Nhìn lại quá trình phát triển của thị trường bất động sản có thể thấy, trước những cơn sốt đất đổ bộ tại nhiều địa phương, bên cạnh những nhà đầu tư lướt sóng cũng không ít người lợi dụng sự sôi động này, sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản như: chiếm dụng tiền đặt cọc, một tài sản nhà đất nhưng bán cho nhiều người, mua bán nhà đất bằng giấy tờ giả…

Theo đó, luật sư Hoàng Lê (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, trước khi “xuống tiền” giao dịch đất đai, nhà đầu tư cần tìm hiểu về các thông tin liên quan mà những đối tượng tự xưng là môi giới cung cấp. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về tình trạng thửa đất, hiện trạng ra sao, không để mức giá rẻ làm “mờ mắt”…để tránh những rủi ro mất tiền không đáng có.