Hà Nội: Vì sao nhiều khu tái định cư xuống cấp nhưng chưa nhận được kinh phí bảo trì?

Trước tình trạng nhiều khu tái định cư tại Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có kinh phí bảo trì để sửa chữa, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - đơn vị được giao quản lý các khu tái định cư này đã giải thích nguyên nhân.

Năm 2006, Khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có 10 tòa nhà được đưa vào sử dụng phục vụ cho các dự án giải phóng mặt bằng của Thủ đô. Sau hơn 17 năm sử dụng, các tòa nhà đều trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Trước đó, tình trạng này đã được trưởng đại diện một tòa nhà phản ánh rằng, tòa nhà không có quỹ bảo trì 2% như nhà thương mại và không có nguồn thu. Vì vậy, khi có hạng mục công trình xảy ra hỏng hóc phải huy động cư dân đóng góp. Tuy nhiên, đa phần kinh tế người dân còn khó khăn nên không thể huy động số tiền vài triệu đồng/hộ để sửa chữa.

Như ông Nguyễn Xuân Kiên (toà nhà N7) chia sẻ, trước đó tại đây thang máy hỏng hóc, chi phí sửa chữa lên đến vài trăm triệu đồng. Sau khi kêu gọi các hộ dân đóng góp vẫn thiếu hơn 100 triệu đồng. Vì việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt nên người dân phải xin khất nợ của đơn vị sửa chữa. Đến đầu năm 2024, khoản tiền này mới được các cư dân trả hết.

Tương tự, các cư dân tại Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) cũng nhiều lần tiếng về tình trạng xuống cấp của tòa nhà. Theo phản ánh của người dân, hiện 4 khối nhà thuộc khu đô thị đã xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 10 năm đưa vào vận hành, nhưng đến nay vẫn chưa được duy tu, sửa chữa do không có kinh phí.

tai-dinh-cu-1714623155.jpg
Nhiều khu tái định cư tại Hà Nội gặp tịnh trạng hỏng hóc nhưng không có kinh phí sửa chữa.

Đây không phải hai trường hợp thiểu số mà không ít trường hợp như Khu tái định cư Đền Lừ III (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai); Nhà tái định cư N3B Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân)... cũng gặp cảnh tương tự khi cư dân để phải tự bỏ tiền để sửa chữa các hạng mục hỏng hóc của tòa nhà nhằm đảm bảo sinh hoạt.

Trước những bất cập trên, đại diện các tòa nhà tái định cư đã nhiều lần đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí bảo trì. Về việc này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 23/8/2018 về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư trên địa bàn.

Theo đó, 6 hạng mục gồm: Thang máy, hệ thống PCCC, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét và mặt ngoài sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần từ kinh phí thu được của công tác quản lý diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư.

Bên cạnh đó, các hạng mục sở hữu chung còn lại không được hỗ trợ bảo trì mà sử dụng kinh phí bảo trì 2% để thực hiện. Còn với trường hợp kinh phí này không đủ hoặc không có thì các chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng góp theo kế hoạch được phê duyệt. Quy định đã đưa ra nhưng thực tế, đến nay nhiều nhà tái định cư vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ theo quy định. 

tai-dinh-cu-1714623155.jpeg
Hiện có 167 nhà tái định cư với trên 13.000 căn hộ đã được bán.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư) cho hay, hiện có 167 nhà tái định cư với trên 13.000 căn hộ đã được bán. Hầu hết các tòa nhà này đã xuống cấp với tình trạng phổ biến là tường bong tróc, tường bị ngấm nước, thang máy trục trặc…

Đại diện Công ty cũng thông tin thêm, hiện vẫn chưa có tòa nhà nào nhận được kinh phí bảo trì đối với 6 hạng mục trên là do Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND của UBND thành phố không phù hợp với Thông tư 124 của Bộ Tài chính. Việc này đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý diện tích kinh doanh dịch vụ cũng như quỹ bảo trì tòa nhà.