Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ép ByteDance thoái vốn khỏi TikTok, tiến gần hơn tới cấm hoàn toàn?

Hạ viện Mỹ vừa thông qua một cách áp đảo dự luật yêu cầu chủ sở hữu TikTok là công ty công nghệ ByteDance của Trung Quốc phải thoái vốn trong vòng 6 tháng nếu không muốn đối mặt với các lệnh cấm tại quốc gia này.

Theo đó, dự luật đã được thông qua với tỷ lệ 352-65 trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng, tuy nhiên nó sẽ phải tiếp tục lấy ý kiến tại Thượng viện, nơi một số người ủng hộ một cách tiếp cận khác để quản lý các ứng dụng thuộc sở hữu của nước ngoài có thể gây ra những mối lo ngại về an ninh quốc gia. Một quan chức chủ chốt cho biết, Thượng viện sẽ xem xét về luật này trong thời gian tới.

bytedance-1710423749.jpg
Dự luật mới của Mỹ đang ép ByteDance thoái vốn khỏi TikTok.

Việc buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang có nhiều căng thẳng xung quanh các vấn đề công nghệ, đồng thời với cuộc chạy đua AI tiên tiến trên toàn cầu. Điều này đã được thể hiện ở một số lệnh cấm thời gian qua đối với thiết bị của các công ty công nghệ Trung Quốc và những hạn chế nguồn chip bán dẫn tiên tiến…

TikTok hiện đang là ứng dụng được 170 triệu người Mỹ tin dùng. Trong khi nhiều người dân ở Mỹ khá lạc quan về ứng dụng này thì ngược lại, đứng trước sự bùng nổ của ứng dụng này trên toàn cầu, các nhà lập pháp Mỹ đã liên tục thể hiện sự lo ngại về vấn đề an toàn dữ liệu cho người dùng Mỹ. Kể từ khi có thông tin về dự luật “văn phòng của các nhà lập pháp tràn ngập cuộc gọi từ những người dùng TikTok phản đối luật này”, một quan chức cho biết.

Giám đốc điều hành TikTok là ông Shou Zi Cheu, dự kiến sẽ đến thủ đô Washington của Mỹ trong tuần này cũng đã nêu ý kiến sau quyết định của hạ viện Mỹ, cho rằng nếu luật này được ký và có hiệu lực, có thể sẽ dẫn đến lệnh cấm TikTok ở Mỹ. Điều này sẽ lấy đi hàng tỷ USD từ túi của những người sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ.

Về phía mình, ByteDance cũng sẽ thực hiện các quyền lợi hợp pháp của mình để ngăn chặn lệnh cấm. Theo quy định, Dự luật cho công ty 165 ngày để nộp đơn khiếu nại pháp lý kể cả sau khi được Tổng thống Joe Binden thông qua. Theo Reuters đã đưa tin, người đứng đầu Nhà Trắng tuần trước cũng đã thể hiện dự định sẽ ký kết dự luật kể trên.

Trong khi nhiều chính khách thể hiện sự đồng tình với Dự luật thì vẫn còn những người thể hiện sự e ngại về tác động của lệnh cấm đối với những người dân trẻ tuổi.

“Chúng ta muốn TikTok với tư cách là một nền tảng thuộc sở hữu của một công ty Mỹ hay thuộc sở hữu của Trung Quốc? Chúng ta muốn dữ liệu từ TikTok, bao gồm dữ liệu của trẻ em, của người lớn được lưu trữ ở Mỹ hay ở Trung Quốc?”, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng là Jake Sullivan đặt câu hỏi vào tuần trước.

Dù được thông qua với số phiếu áp đảo tại hạ viện, tuy nhiên vẫn phải thừa nhận sự thật là còn những thành viên tại chính Hạ viện Mỹ đang phản đối dự luật kể trên. Có những câu hỏi nghiêm trọng về quyền riêng tư và chống độc quyền ở đây. Mọi lo ngại về an ninh quốc gia nên được nêu ra trước công chúng”, Alexandria Ocasio Cortez – một trong số các thành viên đang có ý kiến ngược dòng cho biết.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ là Maria Cantwell cũng chia sẻ quan điểm về việc bà muốn luật “có thể được áp dụng” và đang xem xét một dự luật riêng.

keep-tiktok-1710423839.jpg
Nhiều người Mỹ, bao gồm những nhà sáng tạo nội dung đã phản đối dự luật.

Đã có hàng chục người dùng TikTok tại Mỹ đã tiến hành biểu tình bên ngoài Điện Capitol, bao gồm những người đang kiếm tiền từ sản xuất nội dung trên nền tảng mạng xã hội này. Mona Swain (23 tuổi) – một người sáng tạo nội dung toàn thời gian cho biết, dự luật có thể sẽ khiến nhiều người mất đi công việc của mình. “Đó là điều đáng sợ nhất”, cô nói.

Theo các chuyên gia, nếu ByteDance không thoái vốn, các cửa hàng ứng dụng do Apple (App Store) và Alpharbet (Google Store) và những công ty công nghệ khác quản lý sẽ không “còn chỗ dung thân” cho ứng dụng TikTok hoặc không còn cung cấp dịch vụ lưu trữ web một cách hợp pháp cho các ứng dụng do ByteDance kiểm soát.

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump cũng đã tìm cách cấm TikTok và Wechat do các công ty công nghệ của Trung Quốc sở hữu nhưng đã không thành công. Trong những ngày gần đây, chính khách này cũng nêu lên những lo ngại về tác động của lệnh cấm đối với người dân Mỹ, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Liên minh tự do Dân sự Mỹ và các nhóm vận động khác cũng cho rằng dự luật này vi hiến vì xâm phạm quyền tự do ngôn luật và các lý do khác.

Vào tháng 11 năm ngoái, một thẩm phán của Mỹ đã ra quyết định chặn lệnh cấm sử dụng TikTok ở bang Montana sau khi công ty này khởi kiện.