Hàn Quốc dự báo vượt Đài Loan về sản xuất chip từ 2032

Một báo cáo mới đây của Mỹ cho thấy, từ năm 2032, Hàn Quốc dự kiến sẽ chiếm gần 20% sản lượng bán dẫn toàn cầu, đạt mức cao nhất mọi thời đại và vượt qua Đài Loan – thủ phủ của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay là TSMC.

Tờ Koreaherald đưa tin, dựa theo Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn và Tập đoàn Tư vấn Boston, Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ chiếm 19% sản lượng chip toàn cầu trong 8 năm sau.

Báo cáo cho thấy, Hàn Quốc đã đầu tư phát triển ngành bán dẫn ngay từ giai đoạn đầu, giúp hai hãng sản xuất chip trong nước là Samsung Electronis và SK Hynix phát triển thành những công ty bán dẫn toàn cầu. Trong đó, mỗi hãng đang chiếm hơn một nửa thị trường bộ nhớ flash NAND và DRAM.

ban-dan-1715495476.jpg
Nhân viên làm việc tại nhà máy sản xuất chất bán dẫn SK hynix của Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng được kỳ vọng sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) – hiện đang giữ vị trí thứ hai thị trường bán dẫn thế giới. Trong khi đó, Đài Loan và Mỹ dự kiến sẽ chiếm lần lượt 17% và 14% trong cùng năm 2032.

Tính đến năm 2022, Hàn Quốc đang chia sẻ vị trí thứ ba với Nhật Bản về sản xuất chip toàn cầu, sau Trung Quốc và Đài Loan, hiện chiếm lần lượt 24% và 18%.

Báo cáo dự báo Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ đạt 19% với sự gia tăng đáng kể về năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng các nhà máy bán dẫn. Theo các chuyên gia, thị trường sản xuất chip toàn cầu hiện có thể chia thành 7 khu vực gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục và các khu vực khác. 

Thị phần sản phẩm của Hàn Quốc ngày càng lớn do năng lực sản xuất tăng lên đáng kể thông qua việc xây dựng các nhà máy bán dẫn. Báo cáo ước tính độ tăng trưởng năng lực sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc từ năm 2022 đến năm 2032 sẽ đạt 12%, trong khi mức trung bình của thế giới dự kiến là 108%.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, tỷ lệ sản xuất chip dưới 10 nanomet của Hàn Quốc, bao gồm cả các quy trình tiên tiến, dự kiến sẽ giảm đáng kể từ 31% vào năm 2022 xuống còn 9% vào năm 2032. Xếp hạng của Đài Loan cũng dự kiến sẽ giảm từ 69% xuống 47% trong cùng kỳ.

chips-300x200-1715495633.jpg
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn.

Ngược lại, Mỹ sẽ tăng thị phần sản xuất chip tiên tiến lên tới 28% công suất toàn cầu vào năm 2032, tăng từ mức 0% vào năm 2022. Mỹ dự kiến sẽ chiếm 28% tổng chi tiêu vốn toàn cầu từ năm 2024 đến năm 2032, đứng thứ hai sau Đài Loan (31%). Điều này xuất phát từ sự gia tăng đáng kể về đầu tư, chẳng hạn như xây dựng các nhà máy cho các quy trình tiên tiến. Sau khi có đạo luật CHIPS, chính phủ Mỹ đặc biệt khuyến khích các công ty toàn cầu đầu tư lĩnh bán dẫn, đặt trụ sở ở nước này với nhiều chính sách ưu đãi, thu hút hấp dẫn.

Đạo luật CHIPS của Mỹ sẽ hỗ trợ ngành bán dẫn nước này tới 52,7 tỷ USD, bao gồm 39 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất và 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy sản lượng trong nước. Báo cáo dự kiến mức chi tiêu vốn của Mỹ khoảng 2,3 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2024 – 2032, cao hơn rất nhiều so với 720 tỷ USD trong thập kỷ trước khi Đạo luật CHIPS được ban hành. Theo các chuyên gia, nếu không có đạo luật CHIPS, Mỹ sẽ chỉ chiếm được 9% chi tiêu vốn toàn cầu cho lĩnh vực bán dẫn vào năm 2032.