Hệ lụy khó lường từ việc tự ý cho trẻ uống thuốc tăng chiều cao

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý bổ sung hormone tăng trưởng cho con, bởi sẽ có nhiều hệ lụy như thừa hormone có thể dẫn đến to đầu chi, u tuyến yên, tăng tần suất bị tim mạch, đái tháo đường, u ác tính đường tiêu hóa hoặc có thể gây ra khối u giả trong não.

Hiện nay, nhiều phụ huynh không tiếc tiền, chi tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua các loại thuốc tăng trưởng được quảng cáo trên mạng với mong muốn con cao như bạn bè đồng trang lứa.

Bé D. năm nay 10 tuổi, nặng 23kg và chỉ cao 1m1. Cậu bé luôn tự ti với bạn bè vì thường xuyên bị các bạn xoa đầu, chê lùn. Thấy con trai thấp bé hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa, mẹ D. đã tìm hiểu các quảng cáo trên mạng, rồi bỏ cả chục triệu đồng mỗi tháng để mua canxi cùng các loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao cho con uống.

D. uống thuốc đều như ăn cơm suốt một năm mà vẫn không cao lên được bao nhiêu, trong khi nhiều lúc còn rất mệt mỏi. Thấy vậy, mẹ bé đã đưa con đi khám ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. HCM). Kết quả, D. được bác sĩ chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng, thấp hơn chuẩn chiều cao trung bình 15cm.

tang-chieu-cao-1717634642.jpg
Nhiều phụ huynh cho con uống thuốc tăng trưởng với mong muốn cải thiện được chiều cao

Trao đổi với mẹ cậu bé, bác sĩ cho hay, với tình trạng này, việc cho bé uống canxi hay các loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao gần như không có tác dụng, thậm chí còn có hại nếu lạm dụng vì có thể làm tổn thương gan, thận, cứng xương, cường giáp, các bệnh tim mạch… Bác sĩ đã chỉ định tiêm hormone tăng trưởng cho D. và theo dõi.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Ngọc Anh - khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ, những trẻ cao ít hơn 4cm/năm, nhất là trong giai đoạn từ 5 tuổi đến 8 tuổi, là dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng. Đa số trẻ không có biểu hiện gì đặc biệt, ngoài không cao lên hoặc cao rất chậm. Tuy nhiên, trẻ thiếu hormone tăng trưởng nặng vẫn có thể có những dấu hiệu như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), bộ phận sinh dục nam nhỏ, tay chân nhỏ, có thể thường xuyên mệt mỏi…

Chính vì việc khó nhận biết hoặc do sự lơ là của phụ huynh mà nhiều trẻ qua tuổi dậy thì mới phát hiện bị chậm tăng trưởng chiều cao. Thanh Hoa (20 tuổi) là một trường hợp như thế. Cô gái xinh đẹp nhưng chỉ cao 1m45, không đủ điều kiện để vào ngành hàng không như mơ ước.

Để cải thiện chiều cao, Thanh Hoa quyết định nghe theo “bác sĩ mạng” mua một loại thuốc được quảng cáo “sẽ cao thêm 4 - 10cm trong 10 tuần” với giá gần 1 triệu đồng, bất chấp loại thuốc này có được kiểm nghiệm hay không. Uống hết đợt thuốc, chiều cao của Hoa không tăng mà cô còn thường xuyên thấy nhức đầu, mệt mỏi.

Với những trường hợp như Thanh Hoa, bác sĩ Ngọc Anh cho hay, dù xác định thấp còi do thiếu hormone tăng trưởng nhưng do phát hiện quá muộn, đã qua tuổi dậy thì nên việc điều trị bằng thuốc sẽ không có tác dụng.

tang-chieu-cao-1-1717634642.jpg
Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sẽ giúp phát hiện kịp thời những trẻ đang gặp vấn đề thiếu hormone (Ảnh: V.Thư)

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho hay, việc tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sẽ giúp phát hiện kịp thời những trẻ đang gặp vấn đề thiếu hormone. Trong 8 năm thực hiện tầm soát miễn phí cho hơn 2.400 trẻ, bệnh viện đã chẩn đoán được hơn 200 bé thiếu hormone tăng trưởng.

Trường hợp những trẻ này, thông thường có thể được chỉ định tiêm hormone. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được bác sĩ chuyên khoa theo dõi, đánh giá mức độ hiệu quả để có thể điều chỉnh liều lượng khi cần thiết.

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên tự ý bổ sung hormone tăng trưởng cho con khi không có chỉ định của bác sĩ, bởi sẽ có nhiều hệ lụy như thừa hormone có thể dẫn đến to đầu chi, u tuyến yên, tăng tần suất bị tim mạch, đái tháo đường, u ác tính đường tiêu hóa hoặc có thể gây ra khối u giả trong não.

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, các nghiên cứu chỉ ra rằng, tiềm năng di truyền của thanh niên Việt Nam có thể cao tới 1m75 - 1m8. Chiều cao này không chênh lệch nhiều so với thanh niên châu Âu hay châu Mỹ.

Do đó, nếu có một chế độ dinh dưỡng phù hợp từ khi mang bầu để sinh ra một em bé khỏe mạnh thì đó đã là một cơ sở quan trọng. Những năm đầu đời, được nuôi dưỡng khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng thì trẻ sẽ có sự phát triển rất tốt về cân nặng, chiều cao và có sức đề kháng tốt. Như vậy, thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ lượng và đủ chất bằng những thức ăn thông thường là trẻ có thể phát triển chiều cao bình thường.

PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh chia sẻ, phát triển chiều cao tốt, yếu tố di truyền chỉ quyết định khoảng 20%, còn lại 80% sẽ phụ thuộc vào yếu tố dinh dưỡng, luyện tập thể thao, giấc ngủ.