Những quốc gia nào đang đứng đầu thị trường fintech?

Theo Innovate Finance, so với năm 2022, tổng vốn đầu tư fintech năm 2023 giảm xuống còn 51,2 tỷ USD, giảm 48%. Tổng số giao dịch gây quỹ cho doanh nghiệp fintech cũng giảm 61% từ 6.397 còn 3.973 giao dịch. Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia sở hữu thành tích nổi bật và giữ vững đà phát triển.

Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đều đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu về fintech. Đây là ngành kinh doanh sinh lợi đã có lịch sử phát triển nhiều năm, liên quan đến mọi hoạt động từ ngân hàng bán lẻ đến quản lý tài sản trực tuyến….

Nguyên nhân chính của hiện trạng tổng mức đầu tư ngành nảy giảm một nửa được cho rằng do lãi suất cao và điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng đi xuống khiến các nhà đầu tư phải tiết giảm mọi chi phí.

fintech-1710408586.png
Các kỳ lân fintech chủ yếu nằm ở Mỹ, đứng thứ hai là vương quốc Anh (Ảnh minh họa)

Một cuộc nghiên cứu và thu thập dữ liệu từ Statista đã xác định 200 công ty hàng đầu trên toàn cầu thuộc 9 danh mục gồm thanh toán kỹ thuật số, ngân hàng mới, lập kế hoạch tài chính số, tài sản kỹ thuật số, quản lý tài sản số, tài trợ thay thế, cho vay thay thế, giải pháp ngân hàng kỹ thuật số và giải pháp kinh doanh kỹ thuật số.

Hoa Kỳ được đánh giá là quốc gia khai sinh ra nhiều kỳ lân fintech nhất, tiếp đến là Vương quốc Anh. Tiêu chuẩn để xếp hạng kỳ lân trong lĩnh vực này là các công ty phải được hỗ trợ bởi quỹ mạo hiểm có mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Một số kỳ lân fintech ở Hoa Kỳ phải kể đến là Stripe, Chime, Ripple…Tại Vương quốc Anh, một số kỳ lân lớn bao gồm nhà cung cấp ví tiền điện tử Blockchain.com, công ty khởi nghiệp ngân hàng trực tuyến Revolut, SumUp.

Ở hạng mục quốc gia có nhiều fintech nhất, theo Statista, Hoa Kỳ tiếp tục được xướng tên trong danh sách quốc gia gồm các công ty công nghệ tài chính có giá trị nhất thế giới vào năm 2023. Visa và Mastercard là hai công ty fintech lớn nhất tính theo giá trị thị trường với tổng vốn hóa khoảng trên 800 tỷ USD. Ở hạng mục này, Trung Quốc xếp vị trí thứ hai với các công ty thanh toán lớn như Tencent và Ant Group, tổng vốn hóa thị trường ước tính gần 400 tỷ USD.

Quốc gia có số lượng công ty fintech hàng đầu gọi tên Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Theo danh sách 200 công ty fintech hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ có tới 65 công ty, Vương quốc Anh đứng thứ hai với 15 công ty.

fintech-1710408684.jpeg
Fintech là ngành kinh doanh sinh lợi đã có lịch sử phát triển nhiều năm

Ba quốc gia nổi bật trên thị trường fintech là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Trung Quốc đều có những thế mạnh và đặc trưng riêng. Sự sôi động ở thị trường fintech Hoa Kỳ cũng nhờ các nhà đầu tư có nguồn vốn dồi dào. Thung lũng Silicon có lịch sử lâu đời trong việc hình thành nên một số công ty công nghệ lớn như Meta, Apple, Amazon, Google. Ngoài ra, quốc gia này còn có hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm lâu đời với những công ty lớn như Andreessen Horowitz và Sequoia Capital. Stripe, PayPal và Intuit là những công ty fintech toàn cầu hàng đầu trong danh sách của Statista. Đây đều là những công ty có thị phần đáng kể trên thị trường với những sản phẩm tiêu biểu được hàng triệu doanh nghiệp lớn, nhỏ sử dụng.

Vương quốc Anh cũng có ngành công nghiệp fintech phát triển không kém Hoa Kỳ khi nhận được sự hỗ trợ, thúc đẩy bởi nhiều lực lượng từ các cơ quan quản lý có định hướng đổi mới đến các nhóm vốn ngày càng tăng gồm cả quỹ đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân…

Trung Quốc được đánh giá là thị trường dịch vụ tài chính kỹ thuật số rất lớn. WeChat Pay của Tencent và Alipay của Ant Group đã dồn vào thị trường thanh toán di động, tạo ra sự cạnh tranh rộng rãi cho lĩnh vực ngân hàng còn phân mảnh và kém phát triển của họ. Người dùng ở quốc gia này có mối quan hệ chặt chẽ với các nền tảng kỹ thuật số như WeChat hơn những người cho vay hiện tại.

Nhìn chung, ngành công nghiệp fintech đang phải đối mặt với một số thách thức, điển hình là những trở ngại về kinh tế vĩ mô. Tính thanh khoản của vốn mạo hiểm đang giảm dần là một trong những rào cản hàng đầu mà lĩnh vực này đang phải đối mặt.