Hoạt động sản xuất chip ở Đài Loan ngưng trệ do động đất, ảnh hưởng nguồn cung toàn cầu

Trận động đất lớn nhất trong vòng 25 năm qua tại Đài Loan (Trung Quốc) đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, bao gồm TSMC. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng chip toàn cầu trong thời gian tới.

Ngay sau khi trận động đất có cường độ 7,4 độ richter diễn ra, nhà sản xuất chip TSMC đã nhanh chóng di chuyển nhân viên khỏi một số khu vực nhất định và đang đánh giá mức độ thiệt hại đối với hoạt động sản xuất của công ty. 

Trong khi đó, đối thủ của họ - nhà sản xuất chip lớn thứ 2 tại Đài Loan là United Microelectrics Corp (UMC) cũng tạm dừng hoạt động tại một số nhà máy và sơ tán nhân viên khỏi một số cơ sở khác ở Tân Trúc, Đài Nam.

tsmc-1712147192.jpeg
Nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Đài Loan là TSMC đã phải đình chỉ hoạt động sản xuất trong một thời gian ngắn sau khi động đất diễn ra.

Các công ty chip là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi động đất, bởi chỉ cần một chấn động nhỏ cũng có thể phá hủy toàn bộ lô chất bán dẫn được chế tạo – vốn yêu cầu độ chính xác rất cao.

Cổ phiếu TSMC giảm 1,3% trong khi UMC giảm gần 1% ngay sau khi vụ động đất diễn ra.

Các nhà phân tích Bum Ki Son và Brian Tan cho biết, một số chip cao cấp cần hoạt động liền mạch 24/7 ở trạng thái chân không trong vài tuần. Việc tạm dừng sản xuất ở các khu công nghiệp phía bắc Đài Loan có thể khiến một số chip cao cấp đang trong quá trình hoàn thiện bị hỏng.

Đài Loan là nơi cung cấp khoảng 80-90% chip cao cấp cần thiết cho các ứng dụng tiên tiến như điện thoại thông minh và AI. Việc phụ thuộc quá nhiều vào Đài Loan để sản xuất chất bán dẫn đã gây ra mối lo ngại lớn cho những nhà lãnh đạo ngành và quan chức chính phủ các nước trong nhiều năm qua.

3384-7823-1712147389.jpg
Quy trình sản xuất chất bán dẫn yêu cầu sự chính xác cao và tính liền mạch, bất kỳ một rung động nhỏ nào cũng có thể khiến các thành phẩm bị hư hỏng hoàn toàn.

Trước đó, thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu cũng như làm nổi bật những bất cập của chuỗi cung ứng. Ngành công nghiệp trên toàn thế giới không chỉ phải đối mặt với tình trạng thiếu chip mà những con chip có sẵn lại được bán với giá gấp 3-4 lần giá chính thức trước đó.

Đơn cử, GPU (bộ vi xử lý đồ họa) của NVIDIA, thường được sử dụng trong PC chơi game và chỉnh sửa video, khai thác tiền điện tử, hiện nay đang được dùng trong các ứng dụng AI. Đi cùng với cơn sốt chip AI đang nóng lên từng ngày, chip của NVIDIA đang được mua đi bán lại với giá cao hơn từ 50-250%.

Để giải quyết những lo ngại này về nguy cơ thiếu chip bán dẫn thời gian tới, các quan chức chính phủ trên toàn thế giới đã kêu gọi các công ty Đài Loan, bao gồm cả TSMC đa dạng hóa địa điểm sản xuất của họ về mặt địa lý, không quên lưu ý những mối đe dọa tiềm tàng của khu vực. Đài Loan là nơi có vị trí dễ xảy ra động đất và sóng thần, chưa kể đến những vấn đề có liên quan tới chính trị trong khu vực.

Các dự án mở rộng TSMC hiện đang được tiến hành ở Nhật Bản và Mỹ sẽ cần thời gian để đạt tốc độ tối đa. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều thời gian để các bên có thể đạt được mục tiêu của mình trong việc bình ổn thị trường chip toàn cầu.