Hơn 1 triệu người thất nghiệp trong quý I/2024

Theo thống kê của Bộ LĐ - TB - XH, trong quý I/2024, cả nước có khoảng 1,05 triệu người thất nghiệp (tương đương 2,24%), tăng khoảng 5.400 người so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) thất nghiệp chiếm gần 8% tổng số lao động thất nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có bản tin về thị trường lao động Việt Nam trong quý I/2024. Theo đó, cả nước hiện có 51,3 triệu lao động có việc làm, tăng trên 174.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại giảm khoảng 127.000 người so với quý VI/2023.

Số lượng thất nghiệp khoảng 1,05 triệu người (tương đương 2,24%), tăng khoảng 5.400 người so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) thất nghiệp chiếm gần 8% tổng số lao động thất nghiệp.

thu-nhap-1-1716956524.jpg
Cả nước hiện có 51,3 triệu lao động có việc làm

Thu nhập bình quân của người lao động quý I/2024 là 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 606.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập của nam giới khoảng 9 triệu đồng/tháng, còn nữ giới là khoảng 7,9 triệu đồng/tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ rõ nhu cầu việc làm tập trung ở các nhóm ngành như dệt may, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản xuất kim loại, sản phẩm quang học... Các nghề được doanh nghiệp săn đón nhiều gồm nhân viên quản lý cửa hàng, kế toán - kiểm toán, khoa học - kỹ thuật, nhân viên dịch vụ nhà hàng - du lịch, marketing.

Dự báo, nhóm ngành in, sao chép bản ghi các loại, sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic, khai thác khoáng sản sẽ giảm nhu cầu lao động từ 1,5 - 3,8% trong quý II/2024. Ngược lại, các nhóm sản xuất giường tủ bàn ghế, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, dệt may, sản phẩm quang học sẽ tăng nhu cầu lao động từ 1,6 - 2,6%.

Về thị trường việc làm quý I/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận so với quý trước đó, số người có việc làm một số ngành tăng mạnh như dịch vụ lưu trú và ăn uống (137.000 người), công nghiệp chế biến chế tạo (61.000 người)... Ngược lại, ngành Công nghiệp xây dựng giảm tới 255.000 việc làm, nông lâm thủy sản giảm 80.000 người, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 17.000 người...

thu-nhap-2-1716956572.jpg
Thu nhập bình quân của người lao động quý I/2024 là 8,5 triệu đồng/tháng (Ảnh: TTXVN)

Trước thông tin thu nhập của người lao động tăng so với năm ngoái, nhiều chuyên gia đánh giá đây là điểm vui mừng, nhưng để cải thiện thu nhập hơn nữa thì cần nâng cao năng suất lao động.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam là 2.400 USD, còn kém xa nhiều nước trong khu vực châu Á. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam gần nhất với Phillipines, bằng 1/3 so với Malaysia và chỉ bằng 1/10 so với Singapore.

Tại diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 26/5, các chuyên gia nhận định, sở dĩ năng suất lao động Việt Nam thấp là do phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Nhưng số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, để tăng năng suất lao động của nước ta, vấn đề con người rất quan trọng. Các giải pháp tăng kỹ năng của người lao động là điều cần tập trung để đẩy mạnh phần đóng góp trong năng suất lao động nói chung.

Trong khi đó, giáo sư, tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội đưa ra ý kiến, phải nâng cao trình độ thì mới có thể tiếp cận được những khâu mà sản xuất có giá trị cao, khi đó mới tăng được hiệu quả của lao động cá nhân.