Hơn 5.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản chậm thanh toán trong tháng 7

Hơn 60% trên tổng số số 9.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 7/2024 có khả năng không trả được nợ gốc, đa phần thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Chứng khoán MBS vừa có báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với những con số đáng lưu ý. Theo đó, trong nửa đầu tháng 7, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công giảm 82% so với tháng trước và 38% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành đạt hơn 148.700 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

116 doanh nghiệp chậm trả

Trong tổng số lượng TPDN phát hành thành công thời gian qua, các ngân hàng vẫn chiếm đa số với hơn 65% với 96.200 tỉ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Động thái đẩy mạnh phát hành trái phiếu được MBS lý giải, nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng nhanh.

Xếp theo sau là nhóm ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 32.600 tỉ đồng, chiếm tỷ trong 22%, mức lãi suất bình quân gia quyền của TPDN bất động sản ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân 2,7 năm.

Tính đến ngày 18/7, ước tính giá trị trái phiếu mua lại trước hạn khoảng 10.100 tỉ đồng, giảm 60% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 84.500 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 42% so với cùng kỳ.

tpdn-1721821327.jpg
Trong tháng 7/2024, đã ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, nâng tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp

Đáng chú ý, tỷ lệ chậm trả tiếp tục tăng nhanh khi nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Trong tháng 7/2024, đã ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, nâng tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.

MBS ước tính, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ghi nhận khoảng 209.800 tỉ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với 68%. Từ nay đến cuối năm, tổng giá trị trái phiếu đến hạn ghi nhận hơn 95.300 tỉ đồng, nhóm bất động sản chiếm 65% với 61.900 tỉ đồng.

Trước đó, VIS Ratings cũng đưa ra ước tính có khoảng 9.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả được nợ gốc đúng hạn trong tháng 7, nhóm bất động sản vẫn chiếm “ưu thế” với 60%, tương đương khoảng 5.400 tỉ đồng

Trong số 5.400 tỉ đồng trái phiếu có rủi ro này, có đến 5.200 tỉ đồng trái phiếu do các công ty thuộc nhóm xây dựng, bất động sản dân cư  phát hành trước đây không trả lãi đúng hạn vào năm 2023 như NovaLand, Nam Land, Big Gain, Đại Thịnh Phát, Kita Invest; 200 tỷ đồng trái phiếu gặp rủi ro không trả được nợ gốc còn lại được phát hành bởi 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

Nhìn xa hơn trong 12 tháng tới, VIS Ratings cho biết, sẽ có khoảng 207.000 tỉ đồng trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn và 27% số này có rủi ro không trả được đúng hạn, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng; 65% trong số trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó.

Trái phiếu vẫn là “cứu cánh”

Thực tế, dù gặp khó khăn với dòng tiền nhưng với số lượng phát hành mới, các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì mức lãi suất trung bình 12%/năm đang cho thấy việc tiếp cận tín dụng ngân hàng đang không mấy dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo và khó chứng minh năng lực nợ.

Nêu quan điểm về nhóm TPDN bất động sản, FiinRating cho rằng, sau giai đoạn thị trường thị trường có nhiều biến động mạnh vào cuối năm 2022, nhiều mã trái phiếu của các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính đã có lợi suất đáo hạn lên tới 20-30%, thậm chí 50% tại một số trường hợp cá biệt.

trai-phieu-rui-ro-1721821554.png
 

Các giao dịch này chủ yếu xảy ra tại các trái phiếu bất động sản với thanh khoản nhỏ (dưới 100 tỉ đồng) trong giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi các doanh nghiệp chưa có điều kiện thu xếp tài chính để trả nợ hoặc mua lại trái phiếu, cũng như dưới áp lực cắt lỗ từ một số nhà đầu tư.

“Trong nửa cuối năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản khi thị trường không thuận lợi. Do đó, đã có những lô trái phiếu được giao dịch với mức lợi suất 20-25%”, Fiin Ratings cho biết.

FiinRatings cho rằng, điều này đang phản ánh mức khẩu vị rủi ro tương xứng của các nhà đầu tư khi hầu hết giao dịch diễn ra ở các TPDN có mức xếp hạng tín nhiệm rất thấp, thường là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án.

Trong khi đó, áp lực tài chính với họ là tương đối lớn trong khoảng 12-18 tháng tiếp theo, và khả năng tái tài trợ hoặc huy động vốn mới gặp nhiều thách thức.

Dù vậy,  đưa ra góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Đình Huy – Giám đốc, chuyên gia phân tích cấp cao VIS Ratings cho biết, việc tiếp cận vốn bao gồm cả ngân hàng và trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ dễ thở hơn trong những tháng cuối năm khi 3 luật mới liên quan có hiệu lực từ 1/8 sẽ giúp các chủ đầu tư giải quyết được những vấn đề khó khăn, phát triển dự án mới.

Huy động vốn trái phiếu phục hồi, tín dụng bất động sản kinh doanh ước tăng 16-18% trong năm 2024. Bên cạnh đó, thống kê từ các kế hoạch tăng vốn được công bố của các doanh nghiệp bất động sản, dự kiến sẽ có khoảng 26.000 tỉ đồng vốn mới để phát triển dự án hoặc trả nợ đáo hạn. Những yếu tố này, sẽ giúp các chủ đầu tư giảm bớt áp lực nợ đáo hạn trong năm 2024 và 2025.