Kết hôn ở tuổi 30: Đủ chín chắn và có kinh tế lo cho gia đình

Anh Khôi chia sẻ, kết hôn là để sống với nhau lâu dài. Do đó, ở độ tuổi chín chắn thì ý thức xây dựng gia đình, kiềm chế cái tôi mỗi người tốt hơn cưới nhau lúc trẻ. Chứ vội vã kết hôn rồi ly hôn thì không chỉ làm khổ bản thân mà còn cả bố mẹ và con cái mình.

Tổng cục Thống kê vừa công bố độ tuổi kết hôn trung bình tại TP. HCM năm nay vượt mốc 30 tuổi. Nhiều năm qua, độ tuổi kết hôn của giới trẻ TP. HCM luôn cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. Từ năm 2019, con số này có xu hướng tăng liên tục, bình quân mỗi năm là 0,7 tuổi. Không riêng TP. HCM, độ tuổi kết hôn trung bình của cả nước cũng tăng dần qua các năm, hiện ở mức 27,2 tuổi.

ket-hon-1721459908.png
Độ tuổi kết hôn trung bình tại TP. HCM là 30,4

Theo thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM, ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do…

Một nguyên nhân khác khiến người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng... Tại TP. HCM, cần nhiều nghiên cứu để có thể đưa ra những kết luận chính xác về nguyên nhân người trẻ kết hôn muộn.

Nhiều chuyên gia về dân số cho hay, tác động tiêu cực của kết hôn muộn là hiện nay mức sinh tại TP. HCM thấp cùng với đó là tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42. Mức giảm này đã ở ngưỡng cảnh báo khi nó thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế mà nước ta đang duy trì là 2 - 2,1 con/phụ nữ.

TP. HCM hiện đang có hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi, chiếm tỷ lệ 12,5%. Năm ngoái, số này là 11%. Điều này cho thấy tốc độ già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh ở TP. HCM. Già hóa dân số tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí...

Tổng thể, mức sinh thấp và già hóa dân số tác động trực tiếp đến "số lượng dân số", làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế xã hội.

ket-hon-1-1721459908.png
Việc kết hôn muộn chứng tỏ giới trẻ phần nào có sự chuẩn bị về tài chính

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, kết hôn muộn cũng có mặt tích cực. Việc kết hôn muộn chứng tỏ giới trẻ phần nào có sự chuẩn bị về tài chính, sự nghiệp, cân nhắc về trách nhiệm nghĩa vụ khi kết hôn.

Anh Nguyễn Văn Khôi (quận Bình Tân, TP. HCM) kết hôn ở tuổi 34 tuổi, còn vợ anh lúc đó 31 tuổi. Hiện 2 người đã có 1 cô con gái đáng yêu. Anh Khôi chia sẻ, kết hôn là để sống với nhau lâu dài. Do đó, ở độ tuổi chín chắn thì ý thức xây dựng gia đình, kiềm chế cái tôi mỗi người tốt hơn cưới nhau lúc trẻ. Chứ vội vã kết hôn rồi ly hôn thì không chỉ làm khổ bản thân mà còn cả bố mẹ và con cái mình, như vậy thà độc thân còn hơn.

Còn chị Lê Thanh Trang (quận 3, TP. HCM) cũng có quan điểm, công việc và thu nhập ổn định mới lập gia đình. Chị Trang cho rằng, hiện nay y học phát triển, ngoài 30 tuổi vẫn sinh con mạnh khoẻ bình thường. Lúc này, kinh tế đã có thì nuôi dạy con cũng sẽ tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho hay, nam nữ kết hôn sau 30 tuổi có thể dẫn đến tình trạng cùng một lúc phải chịu nhiều gánh nặng khi chăm sóc bố mẹ già và con nhỏ. Lúc này, gánh nặng sẽ nhân lên gấp hai ba lần.

GS.TS Nguyễn Đình Cử nhận định: “Thanh niên có nỗi sợ về việc phải dành thời gian chăm sóc con, phải nghỉ làm, mất cơ hội thăng tiến. Gánh nặng kinh tế trong việc nuôi dạy con theo mức sống sung túc như hiện nay, lo cho con đi học trường tốt thậm chí đi du học… cũng khiến nhiều người không dám đẻ nhiều. Chúng ta từng vận động đẻ ít, sinh đủ 2 con nhưng giờ có 'khuyến đẻ' thanh niên cũng không đẻ".