Khánh Hòa: Nhiều mẫu rau trong bánh mì dương tính với “dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”

Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa cho thấy, kết quả xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với 21 mẫu rau sống (dưa leo, xà lách, hành, ngò, rau thơm…) thì có 10 mẫu âm tính và 11 mẫu dương tính.

11 cơ sở có dư lượng thuốc sâu trong rau

Ngày 6/8, ông Nguyễn Đinh Hùng - Phó chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho hay, đơn vị vừa báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh về kết quả lấy mẫu thực phẩm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại TP. Nha Trang.

Theo đó, thực hiện kế hoạch năm 2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố Nha Trang, ưu tiên chọn cửa hàng bán bánh mì trên địa bàn các phường trung tâm thành phố.

thuoc-bao-ve-thuc-vat-1-1722990892.jpg
Nhiều tiệm bánh mì đã được lấy mẫu kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Ảnh: Xuân Ngọc/Vietnamnet)

Đoàn giám sát mối nguy đã lấy 206 mẫu thực phẩm để xét nghiệm. Trong đó, 101 mẫu xét nghiệm tại phòng kiểm nghiệm và 105 mẫu xét nghiệm nhanh. Kết quả xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với 21 mẫu rau sống (dưa leo, xà lách, hành, ngò, rau thơm…) thì có 10 mẫu âm tính và 11 mẫu dương tính.

Một trong 11 cơ sở có mẫu rau dương tính với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là điểm kinh doanh P.2. trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Tại đây, đoàn kiểm tra còn lấy mẫu sốt trứng gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm. Kết quả, sốt trứng của tiệm bánh mì này dương tính với Salmonella - một độc tố gây bệnh đường tiêu hóa.

Tương tự, tại tiệm bánh mì L. trên đường Lý Tự Trọng (phường Lộc Thọ), kiểm tra nhanh mẫu rau có kết quả dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu. Lấy rau sống, rau răm, dưa leo của tiệm này gửi Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm. Kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella.

Cơ quan chức năng còn lấy mẫu rau, sốt trứng, jambon, chả bò của 4 cơ sở khác đi để kiểm nghiệm. Kết quả đều dương tính với vi khuẩn Salmonella và 1 cơ sở bán bánh mì có chứa hàn the (0,41% KL).

Chưa thể khẳng định từ kết quả xét nghiệm nhanh

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Vietnamnet, ông Nguyễn Đinh Hùng cho hay, việc lấy mẫu trên nằm trong kế hoạch giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Qua đó, có giải pháp chấn chỉnh cơ sở kinh doanh, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra ngộ độc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

thuoc-bao-ve-thuc-vat-2-1722990892.jpg
Kết quả xét nghiệm nhanh chỉ có giá trị cảnh báo mối nguy

Bên cạnh đó, ông Hùng nêu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau tại các tiệm bánh mì được nêu trong báo cáo là kết quả xét nghiệm nhanh, chỉ có giá trị cảnh báo mối nguy ô nhiễm, không phải căn cứ xử phạt vi phạm hành chính. Đơn vị đã hướng dẫn, yêu cầu chủ cơ sở bánh mì lựa chọn rau nguyên liệu đảm bảo an toàn.

Còn với mẫu kiểm nghiệm có vi khuẩn Salmonella, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo, các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng sản phẩm sốt trứng thì nên tìm đơn vị sản xuất thương mại, có quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt bảo đảm an toàn, tránh nhiễm vi khuẩn.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cũng chia sẻ trên Báo Khánh Hòa rằng, kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau chỉ có giá trị định tính, đưa ra cảnh báo mối nguy. Kết quả này chưa có giá trị khoa học để khẳng định mẫu rau đó vi phạm quy định về mức giới hạn an toàn với chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để khẳng định, phải tiếp tục kiểm tra tại phòng thí nghiệm được công nhận. Nếu kết quả cho thấy hàm lượng thuốc trừ sâu với mẫu rau vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế thì mới có cơ sở pháp lý để khẳng định mẫu rau không an toàn với sức khỏe, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

Bác sĩ Khoa thông tin thêm, sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh ban hành Công văn số 2954/BCĐLNVSATTP ngày 18/7/2024 về việc giải pháp xử lý kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm không đạt năm 2024.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu phân tích, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả. Đồng thời có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm nông sản trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và lưu thông trên thị trường.