Mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời, Bộ Tài chính nói gì?

Mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người được đánh giá không phù hợp với điều kiện hiện nay. Bộ Tài chính cho biết, muốn thay đổi phải sửa luật.

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 18/3, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐB tỉnh Bình Dương) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang khó khăn. 

Trước đó, nhiều người dân cũng nêu ý kiến, mức chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay cũng như mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đã không còn phù hợp, bởi tỉ lệ lạm phát ngày càng cao, chi phí sinh hoạt ngày càng lớn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, việc tính thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế TNCN. Dự kiến năm 2025 sẽ tiến hành sửa luật này. Khi đó Bộ sẽ nêu quan điểm, lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan để từ đó lên phương án trình Quốc hội.

thue9-1710765630.jpeg
Mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá, ngành tài chính, ngân hàng đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình doanh nghiệp và người dân hiện gặp vẫn khó khăn. Năm 2024, cần có giải pháp đột phá hơn, nhất là giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, vì số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn.

Đại biểu này cho rằng, cần quan tâm nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN từ đó góp phần tăng tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng thời gian tới.

Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN. 

Hiện, thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người. Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm với 7 bậc đánh thuế, cao nhất 35% và thấp nhất 5%.

Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) nhận định, Luật thuế TNCN của Việt Nam hiện đang ở mức cao trong khi xu thế các nước đang hạ thấp. Ngoài ra, chủ yếu người gánh thuế TNCN là làm công ăn lương. Vì vậy, cần tăng mức tính thuế  lên từ 18-20 triệu đồng với người nộp thuế để phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt. Với người phụ thuộc, cũng nên nâng lên mức 8 - 10 triệu đồng/tháng.

u78-1710766503.jpg
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đề nghị nên nâng mức người phụ thuộc lên 8 - 10 triệu đồng/tháng

Chuyên gia phân tích, mức sống của người dân ngày càng tăng cao. Trong đó, chi phí giáo dục, y tế là những khoản lớn của các hộ gia đình cũng đã tăng mạnh thời gian qua. Đây là những chi phí thiết yếu của người dân nhưng không được trừ trước khi tính thuế. 

Đặc biệt, cần tính đến yếu tố vùng miền, có thể lấy lương cơ sở theo vùng làm cơ sở cho việc quy định mức giảm trừ phù hợp, vì mức sống ở Yên Bái, Lào Cai… không thể giống như Hà Nội và TP.HCM.

Như tại TP.HCM, chi phí sinh hoạt trung bình cho gia đình 4 người là khoảng 40 triệu đồng/tháng (không tính tiền thuê nhà). Trong khi đó, quy định nêu, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế với một gia đình 4 người gồm vợ chồng và 2 con chỉ 30,8 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, mức này cố định trong một khoảng thời gian dài, trong khi chi phí của người dân có xu hướng tăng qua các năm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2023 đạt trên 155.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công 108.228 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN).