Do chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu dẫn đến thiếu hụt đơn hàng, nên tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong năm qua gặp nhiều khó khăn. Để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Nhiều lao động mất việc khi đã lớn tuổi. Đây là một trong những nguyên do khiến nhiều lao động sau khi mất việc khó tiếp cận việc làm mới (với phụ nữ là ngoài 40 tuổi, nam giới ngoài 45 với nam).
Chị Thạch Thị Nương (51 tuổi, quê Trà Vinh) đã có thâm niên 16 năm làm công nhân cho một công ty giày da tại quận Bình Tân, TP. HCM. Kinh tế khó khăn, công ty của chị phải cắt giảm nhân sự. Trong những đợt cắt giảm trước, chị Nương không có tên trong danh sách. Nhưng đợt cắt giảm cuối năm 2023, chị Nương là 1 trong 1.200 lao động mất việc của công ty.
Chị Nương chia sẻ, tình hình sản xuất khó khăn, công ty mới phải cắt giảm. Dù không muốn nhưng chị cũng không có sự lựa chọn nào khác. Rời nhà máy khi tuổi đã cao nên chị không thể xin việc mới.
Cũng ở tình cảnh tương tự, anh Trần Trọng Tính (huyện Củ Chi) vốn là công nhân tại một công ty giày da ở huyện Củ Chi. Cuối năm 2022, do công ty ít đơn hàng nên buộc phải cắt giảm nhân sự. Anh Tính nằm trong số đó. Khi mất việc, anh Tính đã gần 50 tuổi. Anh đã nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. Hiếm có doanh nghiệp nào muốn nhận công nhân lớn tuổi.
Không thể tìm được việc làm chính thức tại nhà máy, anh chấp nhận đi bán vé số dạo để phụ vợ lo cho con. Anh chia sẻ, đến thời điểm này, anh vẫn chưa kiếm được công việc ổn định, hàng ngày vẫn lấy vé số đi bán. Dù số tiền kiếm được ít ỏi nhưng cũng phần nào trang trải tiền nhà trọ, điện, nước và một khoản sinh hoạt phí của gia đình.
Cũng có nhiều lao động lớn tuổi sau khi mất việc đã chọn làm việc tự do để tiện chăm sóc gia đình. Chị Trần Thị Kim Lĩnh (quê An Giang, đang trọ tại quận Bình Tân) là một trong số đó. Chị Lĩnh làm công nhân hơn 10 năm ở một công ty giày da lớn. Gần 1 năm trước, chị Lĩnh bị mất việc. Chị đã chạy khắp nơi tìm việc làm mới nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Sau hơn 2 tháng kiếm việc, chị Lĩnh được một cơ sở sản xuất nhận vào làm thời vụ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Số lương này chỉ bằng phân nửa tiền lương công việc trước đó của chị. Chị bảo, may còn khoản bảo hiểm thất nghiệp nên mới đủ lo cho hai con nhỏ. Thời điểm hiện tại có nhiều công ty tuyển công nhân trở lại nhưng chị không ứng tuyển.
Chị Lĩnh chia sẻ, mức lương khởi điểm ở hầu hết các công ty đều thấp, chỉ cao hơn lương tối thiểu một ít. Chị mà đi làm chính thức thì sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp nữa, lúc ấy tiền lương không đủ trả nhà trọ và lo cho con. Do đó, chị quyết định làm việc thời vụ cho đến khi hết thời gian hưởng BHTN và rút BHXH một lần xong mới tìm việc chính thức.
Trong năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM đã tiếp nhận và giải quyết 164.929 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong tổng số lao động nữ thất nghiệp, người trên 40 tuổi chiếm 27,5%, tập trung nhiều ở lĩnh vực dệt may, da giày, các hoạt động dịch vụ thương mại, hành chính văn phòng...