Khoảng 80% dân số đã dùng thực phẩm chức năng

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với mục đích phòng bệnh đang tăng lên nhanh chóng, với khoảng 80% dân số.

Giai đoạn năm 2017 - 2023, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đã lấy 988 mẫu thực phẩm chức năng để kiểm nghiệm. Kết quả, đơn vị phát hiện 113 mẫu (11,4%) không đạt về chỉ tiêu vitamin, chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu định tính và định lượng…

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với mục đích phòng bệnh đang tăng lên nhanh chóng, với khoảng 80% dân số.

Tổng quy mô ngành Thực phẩm chức năng ở nước ta (không có hàng xách tay) ước tính đạt khoảng 13 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

thuc-pham-chuc-nang-2-1714372552.jpg
Hiện có khoảng 80% người Việt từng sử dụng thực phẩm chức năng

Hiện nay, đa số người dân mua thực phẩm chức năng theo quảng cáo hoặc truyền miệng. Thế nhưng, nhiều sản phẩm được quảng cáo thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh. Đây là một vấn nạn của thị trường thực phẩm chức năng.

Vài năm trở lại đây, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng về vi phạm quảng cáo không phép và thổi phồng công dụng của sản phẩm. Đã có không ít người nổi tiếng, nghệ sĩ vì ham lợi mà đã tham gia vào quảng cáo thổi phồng này.

Ngoài vi phạm về quảng cáo, các loại thực phẩm chức năng còn có những sai phạm về chất lượng sản phẩm. Điều này đã được các cơ quan chức năng nêu rõ tại hội thảo quản lý thực phẩm chức năng do Sở An toàn thực phẩm TP. HCM tổ chức mới đây.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng có chất lượng và độ an toàn không như công bố.

Tiến sĩ Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (trực thuộc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM) dẫn chứng, giai đoạn năm 2017 - 2023, đơn vị đã lấy 988 mẫu thực phẩm chức năng để kiểm nghiệm. Kết quả, đơn vị phát hiện 113 mẫu (11,4%) không đạt về chỉ tiêu vitamin, chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu định tính và định lượng…

Dù tỷ lệ mẫu không đạt kết quả giảm dần đều từ năm 2018 - 2023, nhưng trung bình mẫu không đạt vẫn ở ngưỡng 11%. Đây là một tỷ lệ khá cao.

thuc-pham-chuc-nang-3-1714372552.jpg
Lực lượng chức năng thường xuyên ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng

Tiến sĩ Phạm Văn Sơn cho biết, từ năm 2017 - 2020, đa số mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh xảy ra ở thực phẩm bổ sung. Nguyên nhân là do đa số các sản phẩm không được sản xuất tại cơ sở có kiểm tra nghiêm ngặt về môi trường.

Chỉ tiêu vitamin không đạt chiếm tỷ trọng khá cao trong các thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nguyên nhân là do hàm lượng vitamin trong các sản phẩm rất nhỏ, hơn nữa các nhà sản xuất không dùng đúng dạng muối của nguyên liệu đã đăng ký trong công bố.

Về chỉ tiêu định tính, định lượng (chất khác vitamin), tỷ lệ không đạt khá cao ở các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Điều này rất đáng lo ngại vì trong thành phần công thức có ghi dược liệu quý có tác dụng chính, nhưng đánh giá định tính và định lượng chỉ đưa ra 1 hoặc 2 chất, không đủ đại diện cho dược liệu đăng ký.

Theo đại diện Sở An toàn thực phẩm TP. HCM, quá trình kiểm nghiệm các mẫu có chứa dược liệu gặp nhiều khó khăn do không có chuẩn dược liệu đối chiếu (chất chuẩn dược liệu được cung cấp từ 2 viện đầu ngành không đủ để đáp ứng).

Ngoài ra, một số cơ sở vẫn còn đối phó và không phối hợp với trung tâm kiểm nghiệm trong việc cung cấp hồ sơ công bố, tiêu chuẩn của nhà sản xuất để phục vụ việc đánh giá sản phẩm.

Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, tới đây cơ quan này ngoài kêu gọi doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thì sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm.

Sở cũng sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong thực phẩm chức năng.

Cục An toàn thực phẩm kiến nghị, cần đẩy mạnh, mở rộng những vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn và chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường công nghệ sản xuất nguyên liệu và sản phẩm chức năng, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, cần quảng bá, khuyến khích các sản phẩm an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, theo quy định, thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học) phải được sản xuất (hoặc nhập khẩu) trong dây chuyền đạt GPM (thực hành sản xuất tốt).

Thực tế ghi nhận, có những sản phẩm mang tiếng là thực phẩm chức năng nhưng sản xuất bằng công nghệ “xô, chậu”, tức mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu rồi đóng vào là xong. Những loại như vậy tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.