Khóc dở mếu dở vì bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế vài trăm nghìn

Ngày càng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế với số tiền rất ít, thậm chí chưa tới một triệu đồng.

Nợ vài trăm nghìn cũng không được xuất cảnh

Thời gian qua, để tăng cường quản lý ngân sách, ngành tài chính đã khẩn trương xử lý thu hồi nợ thuế. Vì thế, số người bị cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế cũng có xu hướng gia tăng. Đáng nói, ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế với số tiền rất nhỏ, chưa tới… 1 triệu đồng.

Như trường hợp của bà L.H.B, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH thương mại hoá chất G.T (Bình Dương) bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 với lý do doanh nghiệp mà bà đang đại diện pháp luật nợ thuế 997.222 đồng. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định “chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế” có từ 10 năm trước.

xuat-canh-1718445270.jpg
Nhiều người khi bị tạm hoãn xuất cảnh mới biết mình đang nợ thuế

Tương tự, vào hồi tháng 2, một giám đốc công ty tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế. Ông T.T.Q, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế hơn 10 triệu đồng.

Hay trường hợp của ông P.H có thông báo nợ thuế hơn 6 triệu đồng và đã nộp bổ sung đủ. Sau đó 6 ngày, ông đi công tác nước ngoài nhưng đến cửa khẩu thì không được xuất cảnh vì cơ quan thuế chưa cập nhật huỷ bỏ công văn đề nghị hoãn xuất nhập cảnh khiến ông lỡ dở công việc với đối tác.

Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp khi đến sân bay mới biết bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Đơn cử trường hợp của bà L.T.V, vào tháng 10/2023, bà có đơn kiến nghị gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 vì bị tạm hoãn xuất cảnh trong khi chưa từng làm giám đốc và không hay biết gì về Công ty TNHH thương mại Baby Care (Q.1, TP.HCM). Bà khẳng định bị đánh cắp thông tin để thành lập công ty với mục đích xấu, trốn thuế.

Quy định có phần cứng nhắc

Chuyện cấm xuất cảnh vì nợ thuế đã được áp dụng từ vài năm nay, tuy nhiên sự việc được quan tâm nhiều hơn trong thời gian gần đây khi có hàng dài doanh nhân trong danh sách nợ thuế bị bêu tên trên trang tin của hải quan địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, mức nợ thuế chỉ vài trăm nghìn đồng cũng bị cấm xuất cảnh có phần hơi cứng nhắc, chưa phù hợp.

Cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan thuế cần rà soát lại những trường hợp có số tiền nợ thuế từ vài chục triệu đồng trở xuống để xem xét lại doanh nghiệp đã nhận được thông báo cưỡng chế nợ thuế cũng như thông báo tạm hoãn xuất cảnh hay chưa, tránh trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng quyền lợi không đáng có.

nop-thue-1718445343.jpg
Những trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế thì cơ quan thuế đã có thông báo qua email, bưu điện

Luật sư Nguyễn Văn Phú, Đoàn Luật sự TP Hà Nội nêu ý kiến, cơ quan thuế có thể tăng ngưỡng áp dụng mức thuế là bao nhiêu thì mới áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Vì nếu nợ thuế chỉ vài trăm nghìn hay vài triệu đồng thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ tìm cách nộp sớm.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục thuế TP.HCM, những trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế thì cơ quan thuế đã có thông báo qua email, bưu điện. Do họ không chấp hành nên cơ quan thuế mới phải gửi thông báo cho Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công An) và đồng thời gửi cả cho người nộp thuế.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết Cục sẽ chỉ đạo các chi cục xem xét chặt chẽ lại quy trình thông báo. Ví dụ nếu gửi qua bưu điện thì phải làm sao có xác nhận của doanh nghiệp là đã nhận được thư. Hoặc thông báo tạm hoãn xuất cảnh gửi cho đại diện pháp luật doanh nghiệp thì cơ quan thuế phải đảm bảo cá nhân đó nhận được thông báo trên.

Theo thông báo của Bộ Tài chính phát đi ngày 1/6 cho biết, số lượng người nộp thuế có khoản nợ tồn động dưới 1 triệu đồng là “rất lớn” và đa số là khoản nợ kéo dài. Cơ quan này khuyến cáo người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế và không bị ảnh hưởng đến việc xuất cảnh.