Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 34/TT-NHNN thay thế cho Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/201 quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Trong đó quy định các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trước đó, NHNN từng đề xuất cấm các ngân hàng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm theo quy định, trừ bảo hiểm liên kết đầu tư.
Lý giải nguyên nhân của đề xuất cấm bán bảo hiểm, NHNN cho biết, do sản phẩm liên kết đầu tư dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động, ủy thác đầu tư mà các ngân hàng thương mại đang cung cấp.
Tuy nhiên, đề xuất này của NHNN đã gặp nhiều tranh cãi bởi mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) vẫn là mô hình phổ biến mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và các công ty bảo hiểm.
Bởi lẽ, bancassurance là kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp vào doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm (khoảng 50%). Trong khi đó, khoản phí thu được từ hoạt động này trung bình đóng góp khoảng 37% vào tổng thu nhập phí mỗi năm của các ngân hàng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nếu sản phẩm liên kết đầu tư bị cấm bán qua kênh ngân hàng, các khách hàng của kênh này sẽ không có nhiều sản phẩm để lựa chọn, trong khi nếu được bán đúng, tư vấn rõ ràng thì đây là sản phẩm tốt.
Tại một hội thảo liên quan đến kênh bancassurance, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, hành lang pháp lý đối với mô hình bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã rất chặt chẽ như các quy định tại Thông tư 67 của Bộ Tài chính và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng quy định rất rõ ràng.
Cụ thể, Thông tư 67 của Bộ Tài chính quy định không được bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Hay tại Khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã nghiêm cấm gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với các dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng dưới mọi hình thức.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đồng thời phải thiết lập bảng minh họa trên website của doanh nghiệp để khách hàng có thể tự kiểm tra, tìm hiểu về sản phẩm liên kết đầu tư kể từ 01/07/2024; ghi âm lại quá trình tư vấn các sản phẩm... Các ngân hàng cũng phải bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với những yêu cầu cao đối với người đứng đầu bộ phận.
Theo đó, ông Trương Thanh Đức cho rằng, không nên cấm các ngân hàng thực hiện hoạt động đại lý đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trên cơ sở ban hành các quy trình nội bộ để triển khai tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và Luật Các tổ chức tín dụng.